"Hoạt động bay với tiêm kích MiG-21 LanceR nối lại từ ngày 23/5 và dự kiến kéo dài một năm. Các phi cơ sẽ được triển khai đến ngày 15/5/2023 cho nhiệm vụ tuần tra sẵn sàng chiến đấu, cũng như duy trì huấn luyện thực tế cho phi công vận hành. Những chiếc MiG-21 sẽ bị loại biên sau thời hạn trên", Bộ Quốc phòng Romania cho biết trong thông cáo hôm 25/5.
Thông báo được đưa ra hơn một tháng sau khi Bộ Quốc phòng Romania tuyên bố dừng bay toàn bộ tiêm kích MiG-21 do tỷ lệ tai nạn cao. Không quân Romania tuyên bố đang đẩy nhanh tiến trình mua 32 tiêm kích F-16AM/BM đã qua sử dụng của Na Uy để thành lập hai phi đoàn trong tương lai, đồng thời tiến hành những bước đi đầu tiên nhằm đặt mua tiêm kích thế hệ 5.
Trước khi ra lệnh ngừng bay hôm 15/4, không quân Romania còn khoảng 27 tiêm kích MiG-21 đủ khả năng vận hành, gồm 19 chiếc thuộc phiên bản LanceR-C hiện đại nhất dành cho nhiệm vụ phòng không và 8 máy bay LanceR-B chuyên dành cho nhiệm vụ huấn luyện và có tính năng chiến đấu kém hơn.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng Romania đang gặp thách thức lớn với kế hoạch chuyển sang vận hành hoàn toàn tiêm kích F-16, do họ chưa tiếp nhận phi đội F-16 Na Uy trong khi vẫn phải thực hiện nhiệm vụ phòng không quan trọng. Điều này buộc không quân Romania huy động tiêm kích MiG-21 đắp chiếu để lấp đầy chỗ trống về năng lực sẵn sàng chiến đấu.
Tiêm kích MiG-21 do Liên Xô phát triển từ những năm 1950, với gần 11.500 chiếc được sản xuất.
MiG-21 LanceR là phiên bản nâng cấp sâu do Israel thực hiện trong giai đoạn 1995-2002, sở hữu hệ thống điện tử hàng không tương đương các tiêm kích thế hệ 4 hiện đại. Nó được trang bị radar xung Doppler đa chế độ, hệ thống tác chiến điện tử và máy tính quản lý nhiệm vụ, có thể sử dụng nhiều vũ khí dẫn đường như bom laser.
Nhiều loại đồng hồ cơ khí trên MiG-21 nguyên bản được thay thế bởi màn hình hiển thị đa chức năng. Phi công LanceR-C có thể sử dụng kính hiển thị gắn trên mũ bay, cùng hệ thống điều khiển tích hợp trên cần lái và tay ga.
Vũ Anh (Theo Drive)