![]() |
Phát hiện sai phạm qua hoá đơn của khách hàng. |
3 khách sạn phía Bắc bị thanh tra đợt này gồm Horison, Fortuna và Hải Phòng Tray. Còn ở phía Nam có Bát Đạt, Viễn Đông và Sofitel Plaza SaiGon. Kết quả ra cho thấy, tất cả các đơn vị đều vi phạm thu cước phí và phần phụ thu cao quá mức cho phép.
Tại Thông tư số 66/1998/TT-TCDL ngày 23/1/1998 về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 477-TTg ngày 3/7/1997 của Thủ tướng chính phủ về phụ thu cước viễn thông quy định rõ. Đối với khách sạn xếp hạng 4-5 sao được quyền phụ thu cước viễn thông tối đa là 25%. Khách sạn xếp hàng 3 sao mức phụ thu tối đa là 15% và khách sạn xếp hạng 1-2 sao mức phụ thu cước viễn thông tối đa là 10%. Ngoài ra, thông tư này nhấn mạnh: Mức phụ thu của khách sạn đã đăng ký phải được niêm yết công khai rộng rãi cho khách hàng biết để thực hiện. |
Theo thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 477 của Thủ tướng Chính phủ do Tổng cục Du lịch ban hành ngày 23/1/1998, Khách sạn 5 sao Horision (Hà Nội) được thu thêm 15% phụ thu cước viễn thông sau khi đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền ngoài mức cước quy định.
Nhưng trong thời gian từ ngày 1/4/2003 đến 31/1/2004, khách sạn này đã thu cước điện thoại nội hạt cao hơn quy định 3,75%. Mức chênh lệch với cước Internet là 20,27%, điện thoại liên tỉnh 42,42% và cước gọi vào điện thoại di động là 10,35%. Riêng cước điện thoại đường dài 171, mức chênh lệch lên tới 133,3%; cước 171 quốc tế tăng 142,24%. Còn cước điện thoại quốc tế IDD thậm chí còn bị đội lên 205,64%.
Khách sạn Hải Phòng Tray (xếp hạng 4 sao), được phép thu thêm 15% phụ thu cước viễn thông sau khi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, ngoài mức cước quy định. Nhưng khách sạn này đã phụ thu 25%. Còn khách sạn Fortuna Hà Nội đã thu cao hơn quy định đối với cước điện thoại nội hạt là 1.388 đồng/phút, dịch vụ điện thoại quốc tế thu của khách hàng cao hơn quy định là 7%.
Tất cả các sai phạm nói trên đã được tìm thấy ở một số hóa đơn thu của khách hàng.
Với 3 khách sạn ở khu vực miền Nam, 2 đơn vị mắc sai phạm ở mức độ nhẹ là Bát Đạt (thuộc Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn) và Viễn Đông (số 275 Phạm Ngũ Lão, quận I, TP HCM). Vi phạm nghiêm trọng là khách sạn Sofitel Plaza SaiGon, có số tiền thu sai của khách hàng lên tới trên 1 tỷ đồng.
Theo Ban Thanh tra, có nhiều chiêu thức mà các khách sạn tên tuổi này thu sai quy định đối với khách hàng, trong đó có việc thu cao hơn mức giá cước mà bộ quy định hoặc thu cước sử dụng dịch vụ trong thời gian từ 23h đến 7h sáng giống như mức thu tại giờ cao điểm.
Chánh Thanh tra bộ, ông Nguyễn Thanh Hải, cho biết, một trong những tiêu chí mà bộ chọn để thanh tra về vấn đề thực hiện việc thu cước phí tại một số khách sạn là đơn vị đó có doanh thu lớn và thuộc đẳng cấp 4-5 sao trở lên. Sau khi rà soát lại toàn bộ hoá đơn chứng từ liên quan đến cước viễn thông trong vòng 1 năm trở lại đây, thanh tra đã lập biên bản với các đơn vị có sai phạm và xử phạt theo quy định. "Với những đơn vị vi phạm mức độ nhẹ, chúng tôi chỉ dừng ở hình thức cảnh cáo. Còn khách sạn nào thu phí chênh quá cao so với quy định, đoàn sẽ tiến hành kiểm tra tiếp các năm trước đó", ông Hải nói.
Cụ thể, khách sạn Viễn Đông và Bát Đạt, do mới sai phạm nhẹ mức độ nhẹ và lần đầu nên chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo. Còn lại 4 khách sạn là Sofitel Plaza SaiGon, Horison và Fortuna, Thanh tra sẽ áp dụng hình thức thu hồi toàn bộ số tiền cước mà các khách sạn này đã thu quá quy định.
Đối với khách sạn Horison, mức xử phạt là 2 triệu đồng và thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước số tiền khách sạn đã thu sai là 89.763.000 đồng. Còn khách sạn Fortuna mức xử phạt hành chính 2 triệu đồng và thu hồi số tiền là 80.583.700 đồng. Riêng khách sạn Hải Phòng Tray, do mức độ sai phạm nhẹ hơn nên hình thức xử phạt áp dụng là 1 triệu đồng và thu hồi số tiền thu sai của khách là 6.137.000 đồng.
Theo ông Hải, mức xử phạt hành chính như vậy không cao nhưng đã buộc các khách sạn vi phạm này phải nộp lại số tiền đã thu sai của khách hàng vào ngân sách Nhà nước. Trong thời gian tới, Thanh tra Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra việc thu cước tại các khách sạn khác để ngăn chặn tình trạng các khách hàng bị ăn chặn khi sử dụng các dịch vụ viễn thông.
VnExpress đã tìm cách trao đổi với đại diện của các khách sạn về kết quả thanh tra của Bộ Bưu chính Viễn thông, tất cả đều tỏ ra bất bình và từ chối trả lời. Nhưng trên thực tế,
việc nhiều khách sạn thu các phí các dịch vụ quá cao đã diễn ra từ khá lâu. Không chỉ có cước viễn thông mà các dịch vụ khác như ăn uống, điện nước, vệ sinh... cũng là nỗi kinh hoàng của không ít khách hàng.Ông Phạm Quang Thế, Việt kiều Pháp cho biết ông thường xuyên phải trọ tại khách sạn mỗi lần đi công tác tại Việt Nam. Nhằm giảm thiểu các chi phí không cần thiết, ông chỉ giám đặt phòng nghỉ tại khách sạn bình dân nhất và họa hoằn lắm ông mới sử dụng các dịch vụ tại đây.
"Kinh nghiệm của tôi là không sử dụng dịch vụ viễn thông tại khách sạn, vì nó quá đắt đỏ", ông Thế nói. Vì vậy, lúc nào ông cũng có sẵn một số sim của Việt Nam, khi nào có nhu cầu, ông chỉ cần mua thẻ để liên lạc.
Mục 4, điều 17 Nghị định 79/CP quy định về hình thức và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về giá, cước phí bưu chính viễn thông và tần số vô tuyến điện như sau: 2- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không niêm yết công khai hoặc niêm yết bảng giá, cước, phí các dịch vụ bưu chính, viễn thông không đúng quy định hiện hành tại các Bưu cục trung tâm cấp tỉnh, thành phố, các Bưu cục cửa khẩu; các nhà khách, nhà hàng, khách sạn có phục vụ dịch vụ bưu chính, viễn thông. 3-Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thu tiền của khách hàng sai mức quy định ghi trong bảng giá, cước, phí dịch vụ bưu chính, viễn thông hiện hành. 4- Hình thức xử phạt bổ sung áp dụng đối với các hành vi vi phạm tại Điều này: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với vi phạm quy định tại Khoản 3 |
Hồng Anh