Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hôm qua cho biết lò phản ứng công suất 5 MW nằm trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, được cho là nguồn cung cấp plutonium chính cho chương trình vũ khí của nước này, dường như đã ngừng hoạt động ba tháng qua, Reuters đưa tin.
"Chúng tôi không nhận thấy bất cứ dấu hiệu hoạt động nào của lò phản ứng kể từ đầu tháng 12/2018", Tổng giám đốc IAEA Yukiaya Amano phát biểu, nói thêm rằng cũng không có dấu hiệu cho thấy hoạt động tại phòng thí nghiệm hóa phóng xạ, nơi tách plutonium khỏi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.
IAEA không nêu lý do lò phản ứng ngừng hoạt động. Trong khi đó, một số nhà phân tích độc lập sau khi xem xét ảnh vệ tinh cho rằng lò phản ứng này có thể đã gặp trục trặc kỹ thuật.
Tuy nhiên, tại một cơ sở được cho là được sử dụng để làm giàu uranium trong khu phức hợp Yongbyon, quá trình có thể sản xuất nguyên liệu hạt nhân cấp độ vũ khí dường như vẫn vận hành. Công việc xây dựng cũng được tiếp tục tại một lò phản ứng nước nhẹ thử nghiệm.
IAEA, cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, không được quyền tiếp cận Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng trục xuất các thanh sát viên của họ vào năm 2009. Công việc giám sát hoạt động hạt nhân của Triều Tiên giờ đây chủ yếu thông qua hình ảnh vệ tinh. IAEA nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò kiểm chứng tại Triều Tiên nếu có thỏa thuận chính trị về hoạt động phi hạt nhân hóa ở nước này.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội kết thúc mà không có thỏa thuận nào giữa hai bên. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Bình Nhưỡng "muốn được dỡ bỏ toàn bộ lệnh cấm vận" trước khi phá hủy tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nhưng Washington không đồng ý.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho nói rằng họ chỉ yêu cầu Washington dỡ bỏ 5/11 lệnh trừng phạt, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ phá hủy hoàn toàn và vĩnh viễn các cơ sở sản xuất nhiên liệu hạt nhân tại Yongbyon và cho phép chuyên gia Mỹ vào thanh sát.