Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hôm qua bỏ phiếu về việc Tổng thống Donald Trump đề cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mike Pompeo làm ngoại trưởng. Ủy ban này chỉ nhất trí với đề cử của Tổng thống vào phút cuối nhờ sự thay đổi ý kiến của thượng nghị sĩ Rand Paul. Đề xuất này sau đó sẽ được đưa ra xem xét trước toàn thể thượng viện.
Giới phân tích cho rằng sự lưỡng lự của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện khi phê chuẩn Pompeo phản ánh nỗi lo ngại của dư luận Mỹ khi một trùm CIA được lên làm người đứng đầu Bộ Ngoại giao, theo Huffington Post.
Việc ông Trump đề cử Pompeo vào chiếc ghế ngoại trưởng đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhóm hoạt động nhân quyền, bởi trong quá khứ ông này từng công khai ủng hộ các phương pháp thẩm vấn kiểu tra tấn của CIA hay các biện pháp do thám quy mô lớn với người dân cũng như quan điểm của ông với người Hồi giáo, phụ nữ và người đồng tính, chuyển giới.
Trong phiên điều trần trước thượng viện hôm 12/4, Pompeo không thừa nhận các cáo buộc này, nhưng cũng không quyết liệt bác bỏ. Một số thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa hôm qua cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về hồ sơ của Pompeo trong các vấn đề nhân quyền, dù sau đó bỏ phiếu cho ông.
John Sifton, giám đốc tổ chức Giám sát Nhân quyền chi nhánh châu Á, cho rằng khi đề xuất Pompeo làm ngoại trưởng được đưa ra bỏ phiếu trước toàn bộ thượng viện trong thời gian tới, các thượng nghị sĩ Mỹ cần cân nhắc đến hậu quả của việc để một cựu giám đốc CIA lãnh đạo Bộ Ngoại giao, bởi điều này có thể tác động xấu đến mức độ tin cậy của Bộ này trong thúc đẩy nhân quyền ở nước ngoài.
Nhiều thập kỷ qua, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cấp ngân sách cho nhiều chương trình hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy dân chủ, nữ quyền, tự do báo chí cũng như các trường học, cơ sở chăm sóc y tế, nhóm tháo gỡ bom mìn, chống tội phạm buôn người ở nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều quốc gia cũng cáo buộc Mỹ lợi dụng các chương trình này để làm bình phong bảo vệ lợi ích quốc gia của mình hoặc che giấu hoạt động của CIA.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen gần đây tố cáo các lãnh đạo phe đối lập cấu kết với CIA để tìm cách lật đổ ông, với bằng chứng là sự hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Ngoại giao Mỹ cho các đảng đối lập ở Campuchia. Thời Chiến tranh Lạnh, CIA cũng thường lợi dụng các chương trình xã hội dân sự và văn hóa của Bộ Ngoại giao Mỹ để che đậy hoạt động gián điệp của mình.
Sifton cho rằng hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ đã có nhiều thay đổi trong những năm qua, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ các tổ chức bảo vệ nhân quyền và ủng hộ thượng tôn pháp luật, quản trị tốt và minh bạch. Tuy nhiên, đến thời Trump, các chương trình này bị ảnh hưởng đáng kể.
Kể từ khi Trump nhậm chức, độ tin cậy của Mỹ trong việc thúc đẩy nhân quyền trên thế giới gần như đã bị phá vỡ, khi ông công khai đưa ra những tuyên bố xúc phạm phụ nữ, phá vỡ các tiêu chuẩn nhân quyền cốt lõi và thượng tôn pháp luật.
Điều này khiến Bộ Ngoại giao Mỹ gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện các chương trình cổ vũ "nhân quyền kiểu Mỹ", khi người đứng đầu đất nước lại bị cáo buộc vi phạm những giá trị nhân quyền cơ bản nhất. Trong bối cảnh đó, việc cơ quan này được lãnh đạo bởi một cựu giám đốc CIA, cơ quan nổi tiếng với những lùm xùm về nhân quyền, sẽ khiến Mỹ đối mặt với thêm nhiều thách thức.
Tổn hại uy tín
Nếu được thượng viện phê chuẩn, Pompeo sẽ chính thức trở thành ngoại trưởng mới của Mỹ, trong lúc danh tiếng và uy tín của Bộ Ngoại giao bị xói mòn nghiêm trọng trên trường quốc tế.
Ở Venezuela, Bộ Ngoại giao Mỹ bị tố cáo đứng sau các hoạt động ngầm của CIA nhằm tìm cách lật đổ chính quyền của cố tổng thống Hugo Chavez và người kế nhiệm ông là Nicolas Maduro. Năm 2010, đoàn thanh niên ủng hộ ông Chavez đã nộp đơn tố cáo lên tòa án, cáo buộc các nhóm hoạt động đối lập tội "phản bội" vì nhận ngân sách hoạt động từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Nhà hoạt động Rocio San Miguel bị cáo buộc là "điệp viên CIA xúi giục nổi dậy" và tìm cách phát động một cuộc đảo chính.
Các quan chức chính quyền Ai Cập và Sudan cũng đưa ra cáo buộc tương tự, cho rằng CIA đang lợi dụng các nhóm hoạt động được Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ để thúc đẩy hoạt động gián điệp ở các quốc gia này.
Tại Campuchia, truyền thông nhà nước và các quan chức chính quyền thường xuyên cáo buộc đại sứ quán Mỹ ở Phnom Penh hậu thuẫn một "âm mưu", với các báo cáo chỉ ra mối liên hệ giữa hoạt động tình báo của CIA và các chương trình do Bộ Ngoại giao tài trợ ở quốc gia này. Họ cho rằng một nhân viên đại sứ quán Mỹ từng hẹn gặp một lãnh đạo phe đối lập thực chất là người làm việc cho CIA.
Những cáo buộc này làm suy yếu nghiêm trọng uy tín của Bộ Ngoại giao Mỹ ở Campuchia, dù cơ quan này đã hỗ trợ hàng triệu USD cho chính quyền Thủ tướng Hun Sen trong nhiều thập kỷ qua.
Trong trường hợp Pompeo được phê chuẩn làm ngoại trưởng Mỹ, lãnh đạo các quốc gia này càng có lý do để tin rằng CIA đang thực sự cấu kết với Bộ Ngoại giao Mỹ để can thiệp vào công việc nội bộ của họ thông qua các chương trình được tài trợ.
Bởi vậy, Sifton tin rằng thượng viện Mỹ cần khước từ việc phê chuẩn Pompeo làm người đứng đầu Bộ Ngoại giao, nhằm giúp cơ quan này vãn hồi những giá trị nhân quyền đang bị suy yếu ở nước ngoài. Mức độ đáng tin cậy của chính phủ Mỹ trong mắt nhiều quốc gia trên thế giới đang giảm sút, việc đưa một trùm CIA lên phụ trách đối ngoại sẽ càng khiến mọi thứ tồi tệ hơn, Sifton nhận định.
Bình An