Thông thường các tài xế taxi sẽ đổ xô đến chào mời khách nhưng giờ chỉ có lác đác vài người. Có xe buýt chở hành khách đến sân bay và nhà ga, nhưng trong xe dán tấm nhựa ngăn cách hành khách với tài xế. Các nhân viên đi lại xung quanh cảng mặc đồ bảo hộ.
Điều đó có lẽ không đáng ngạc nhiên. Vào ngày Nhật cho phép 443 hành khách được rời du thuyền để về nhiều nơi trên khắp thế giới, thêm 79 ca nhiễm nCoV được phát hiện, nâng số người nhiễm trên Diamond Princess lên 621. Hôm nay, hai hành khách lớn tuổi nhiễm nCoV đã tử vong.
Chỉ một ngày trước đó, giáo sư Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ bệnh viện Đại học Kobe đã đưa ra nhận xét về tình hình cách ly trên du thuyền: "Hoàn toàn hỗn loạn". "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu họ làm lây lan virus", Iwata nói về những hành khách đã rời tàu.
Khi thông báo cho hành khách rằng họ được tự do trở về với gia đình, chính phủ Nhật tuyên bố họ đã an toàn hoàn thành quá trình cách ly hai tuần trên tàu Diamond Princess, từ 4/12 đến 19/12.
Nhưng các chuyên gia y tế bày tỏ lo ngại sâu sắc về cách Nhật Bản xử lý ổ dịch. Hôm 17/2, Mỹ yêu cầu các công dân Mỹ đã ở trên tàu không được trở về nhà trong ít nhất hai tuần "để bảo vệ sức khỏe của công chúng Mỹ". Trong những ngày gần đây, một số hành khách Diamond Princess đã hồi hương được xác định dương tính với nCoV.
Hành khách Masako Ishida, 61 tuổi, đang ở trên tàu để chờ kết quả xét nghiệm. Bà thấy chán nản khi nghe ý kiến rằng những người âm tính với nCoV vẫn phải cách ly thêm một lần nữa.
"Tôi nghe nói một số người nghĩ chúng tôi nên bị cách ly thêm hai tuần nữa. Chúng tôi đã được cách ly và nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính với nCoV thì chúng tôi sẽ được cấp chứng nhận", bà nói. Chúng tôi là những người an toàn nhất hiện nay".
Một hành khách khác thì ít chắc chắn hơn. "Tôi có chút lo lắng liệu tôi xuống tàu thì có ổn không nhưng chúng tôi đã quá mệt mỏi", một cụ ông 77 tuổi đã rời khỏi tàu cùng vợ nói. "Giờ chúng tôi chỉ muốn ăn mừng".
Trong khi đó, Iwata lo lắng hơn nhiều. Ông lên du thuyền hôm 18/2 với mục tiêu tư vấn cho các quan chức y tế công cộng về cách ngăn dịch lây lan. Ông ngạc nhiên về những gì đã thấy và lên YouTube để chia sẻ.
Iwata nói các quan chức Bộ Y tế, thủy thủ đoàn và bác sĩ tâm lý ngồi ăn cùng nhau. Một số người mặc đồ bảo hộ đầy đủ trong khi những người khác thì không. Ông chỉ trích chính quyền Nhật đã không kiểm dịch "đến nơi đến chốn" và không bảo vệ hơn 3.700 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn.
Một phần nguyên do là Nhật giao phó công tác xử lý cho những công chức chưa chắc có chuyên môn về bệnh truyền nhiễm. Nhật không có cơ quan chính phủ chuyên về kiểm soát dịch bệnh.
Iwata cho biết ông lo ngại đến mức sau khi rời du thuyền, ông tự cách ly 14 ngày để tránh lây nhiễm virus cho gia đình. Thứ trưởng Y tế Gaku Hashimoto viết trên Twitter rằng khi phát hiện ra Iwata lên du thuyền hôm 18/2, ông đã yêu cầu Iwata rời đi. Hashimoto nói thêm Bộ Y tế Nhật đang nhận được sự giúp đỡ từ nhiều chuyên gia cả trong và ngoài tàu và họ đang tiến hành công tác cách ly tốt.
Tuy nhiên, ông thừa nhận "không thể nói mọi thứ được kiểm soát hoàn toàn", sau khi ba nhân viên của Bộ Y tế đã giao tiếp với hành khách trêu tàu dương tính với nCoV.
Sáng sớm nay, Iwata đã gỡ bỏ video của mình, nói rằng "không cần thảo luận thêm về vấn đề này". Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khác rất lo ngại khi nghe mô tả của Iwata. "Theo như ông ấy tả thì tình hình rất đáng ngại", Benjamin Cowie, từ Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia nói.
Hiện còn chưa đến 1.100 hành khách và khoảng 1.000 thành viên thủy thủ đoàn trên tàu, sau khi một số nước đã sơ tán công dân. Nhật sẽ tiếp tục cho phép hành khách rời đi trong hai ngày tới.
Giới chức y tế Nhật cho biết bất kỳ hành khách hoặc thành viên thủy thủ đoàn nào dương tính với nCoV sẽ được đưa đến bệnh viện. Bất kỳ ai có triệu chứng sẽ phải ở lại trên tàu để kiểm tra thêm. Họ khẳng định 443 người rời tàu hôm qua không có triệu chứng và đã âm tính với nCoV. Tuy nhiên, không rõ họ được xét nghiệm khi nào. Một số người chỉ ra rằng họ được xét nghiệm vào cuối tuần trước, có nghĩa là họ vẫn có nguy cơ bị nhiễm trong ba ngày chờ đợi.
Theo Cowie, những người mới bị nhiễm có thể ban đầu âm tính với nCoV nhưng ngã bệnh vài ngày sau đó. "Nếu những người rời đi không mang virus và không đang trong thời gian ủ bệnh thì quyết định của chính quyền Nhật là đúng đắn. Nhưng nếu việc lây nhiễm vẫn diễn ra sau khi họ được xét nghiệm thì quyết định đó có thể là sai lầm", ông nói thêm.
Mẹ của một nhân viên chăm sóc khách hàng trên Diamond Princess cho biết con gái xác nhận điều kiện trên du thuyền đúng như Iwata mô tả. Cô rất sợ hãi vì cô từng xách hành lý cho những hành khách đã dương tính với nCoV. Thủy thủ đoàn được yêu cầu ở lại để giúp khử trùng tàu sau khi tất cả hành khách rời đi. Không rõ liệu họ có phải trải qua thêm một đợt cách ly hay không.
Kyle Cleveland, giáo sư xã hội học tại Đại học Temple Tokyo, người đã nghiên cứu phản ứng của Nhật đối với thảm họa hạt nhân Fukushima, cho biết ông thấy những điểm tương đồng đáng lo ngại. "Họ thiếu phản ứng phối hợp, vấn đề là họ không để các chuyên gia am hiểu vấn đề làm người ra quyết định", ông nói. "Thay vào đó, họ để những người bình thường chỉ xử lý các vấn đề chính trị vào những vai trò vượt quá khả năng của họ".
Cleveland nhận xét du thuyền đã đẩy Nhật Bản vào tình thế khó lường. "Nhật Bản đôi khi là nạn nhân của chính năng lực của mình", ông nói. "Bình thường, đó là một xã hội có tổ chức tốt và hoạt động trơn tru ở mọi khía cạnh. Và khi có vấn đề 'đi trật khỏi đường ray', họ nghĩ rằng chỉ cần áp dụng các phương pháp bình thường hàng ngày là đủ".
"Nhưng tình huống đặc biệt đòi hỏi phải có cách phản ứng đặc biệt", ông nói thêm.
Phương Vũ (Theo NYTimes)