Wong sau đó đăng bức ảnh lên Twitter cùng dòng chú thích: "Không biết đằng sau cánh cửa kia có gì". Trong vài ngày sau đó, cô nhận được hàng nghìn tin nhắn động viên từ khắp nơi trên thế giới.
"Sau nhiều lần suy sụp tinh thần, tôi đã tìm thấy sự bình yên từ tất cả các bạn", Wong tweet. "Cảm ơn vì lòng tốt. Những dòng tweet của các bạn đem đến cho tôi sức mạnh".
Lịch sử cho thấy trong thời gian bùng phát dịch bệnh nguy hiểm, những người bị cách ly thường có biểu hiện tâm lý giống nhau như bất an, khủng hoảng, cô đơn và bị chia cắt. Nhưng lần này, trong dịch Covid-19, "cánh cửa" cách ly trên du thuyền Diamond Princess đã bị phá vỡ nhờ chiếc điện thoại thông minh, giúp những người như Wong không bị rơi vào trầm cảm.
Máy tính xách tay, máy tính bảng và điện thoại thông minh cho phép những người bị cách ly có thể làm việc từ xa, gọi đồ ăn, mua sắm trên Amazon, trò chuyện qua camera với bạn bè, người thân, cập nhật thông tin mạng xã hội, tải phim và nhạc..., giúp họ tiếp tục bắt nhịp với cuộc sống xung quanh và tiếp tục các hoạt động thường nhật.
Karey Maniscalco, chuyên viên môi giới bất động sản Mỹ, cùng chồng là Roger, cũng bị cách ly trên du thuyền Diamond Princess. Cuộc sống tách biệt trong hai tuần cách ly trên tàu hóa ra lại bận rộn một cách bất ngờ đối với họ. Sự bận rộn đó còn giúp họ vượt qua nỗi buồn chán và có thêm sinh khí.
"Những ngày qua, chúng tôi tập trung làm việc trực tuyến và rất nhiều thứ trên Facebook", Maniscalco tuần trước cho biết, trước thời điểm chính quyền Mỹ điều máy bay sơ tán hầu hết công dân trên du thuyền về nước. "Phần tin nhắn chờ của tôi luôn kín". "Cập nhật mạng xã hội tốn thời gian khủng khiếp", Maniscalco nói thêm.
Cô bắt đầu đăng các video TikTok để giải tỏa cái mà cô gọi là cảm xúc chất chứa "như muốn vỡ òa". "Tôi thức giấc mỗi sáng, nhận ra mình vẫn ở đây và bắt đầu khóc", cô chia sẻ về những ngày đầu bị cách ly. Tuy nhiên, hoạt động sau đó trên mạng xã hội giúp cô "bận rộn" đến mức không còn thời gian buồn chán.
Tại Trung Quốc, Isabel Dahm, 22 tuổi, có thể nhìn thấy lũ chó và mèo cưng của mình ở quê nhà Minnesota thông qua việc trò chuyện với cha cô bằng ứng dụng WeChat. Dahm đang ở tỉnh Chiết Giang, nơi cô bắt đầu công việc dạy tiếng Anh từ tháng 11 năm ngoái. Hiện tại, Dahm chủ yếu quanh quẩn trong căn hộ, tự cách ly nhằm tránh lây nhiễm virus.
"Nếu chuyện này xảy ra ở thời Trung Cổ, có lẽ tôi đã phát điên từ vài tuần trước", Dahm nói.
Cách vài ngày Dahm mới được ra khỏi nhà, vì thế cô dạy tiếng Anh trực tuyến từ căn hộ của mình bằng máy tính xách tay. Để giết thời gian, cô còn thường lên mạng nghe nhạc, xem phim. Dahm cũng đặt đồ ăn giao tận nhà, nhưng người giao đồ không được phép lên tầng.
"Con bé đã học được câu 'Tôi sẽ chờ bạn ở cổng' bằng tiếng Trung Quốc", cha Dahm cho hay.
Thực tế, những người bị cách ly vẫn có thể truy cập rộng rãi với nguồn thông tin về virus. Chẳng hạn, ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, nơi có tỷ lệ lây nhiễm nCoV cao nhất bên ngoài Vũ Hán, Krista Lang Blackwood, một giáo viên đến từ thành phố Kansas, Mỹ, cập nhật tin tức mới nhất liên quan tới dịch bệnh thông qua Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cùng Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Theo Blackwood, trước đây, người dân thường hoang mang khi không biết ca nhiễm bệnh gần mình nhất ở đâu. "Ở thế kỷ 21, đừng lo lắng! Có ứng dụng dành cho việc đó", cô nhấn mạnh.
"Bạn có thể nhìn toàn bộ khu dân cư của bạn và xem từng ca nhiễm được thể hiện trên bản đồ. Chúng tôi không biết ai vận hành ứng dụng này bởi nó toàn chữ Trung Quốc, nhưng trên ứng dụng, không có dấu đỏ nào ở khu căn hộ của tôi".
Một số học giả cho rằng kết nối xã hội có thể kích thích hệ thần kinh tưởng thưởng trong não bộ con người, qua đó, làm giảm căng thẳng và tăng cường khả năng phục hồi, thậm chí cả sức khỏe thể chất.
"Nếu không có kết nối xã hội, tất cả chỉ còn lại sự giam cầm đơn độc, đây được coi là một hình phạt tàn khốc và bất thường. Bị cắt đứt kết nối xã hội là một hình thái khác của cái chết. Sự giao tiếp cho phép người ta điều chỉnh tinh thần phù hợp với thực tế", James Katz, giáo sư nghiên cứu về truyền thông mới nổi tại Đại học Boston, nhận định.
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)