Một ngày trước khi 328 hành khách Mỹ được đưa khỏi du thuyền Diamond Princess bị cách ly tại cảng Yokohama, Nhật Bản, Đại sứ quán Mỹ tại Tokyo thông báo những ai dương tính với virus sẽ không được lên máy bay về nước.
Nhưng vào sáng 17/2, khi các hành khách bắt đầu chen chúc vào hai chiếc máy bay chở hàng được cải tạo lại để đưa họ về các căn cứ quân sự ở California và Texas, một số người đã chú ý tới những khu vực tách biệt với phần còn lại.
Sự thật được phơi bày: Sau 12 ngày mắc kẹt trên du thuyền với số người nhiễm nCoV không ngừng tăng lên, giờ đây họ lại ngồi chung máy bay với những người mang mầm bệnh mà bấy lâu nay họ phải tìm cách tránh xa.
"Chúng tôi không biết gì cho tới lúc máy bay lên giữa trời", Carol Montgomery, 67 tuổi, đến từ San Clemente, California, kể. "Tôi nhìn thấy một khu vực che màn nhựa".
Trong khi máy bay chưa hạ cánh xuống Nhật Bản, Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế Mỹ ra một thông báo chung cho biết kết quả xét nghiệm của 14 hành khách được kiểm tra từ 2 - 3 ngày trước đều dương tính và họ đang trên đường tới sân bay bằng xe buýt.
Thực tế cho thấy các quan chức Mỹ đã tiến hành sơ tán công dân khi chưa biết kết quả xét nghiệm của 14 người nói trên. Nhưng vì quá trình sơ tán đã bắt đầu từ trước thời điểm nhà chức trách Nhật chuyển kết quả cho phía Mỹ nên họ quyết định để những người nhiễm bệnh song chưa xuất hiện triệu chứng lên máy bay, sắp xếp họ ngồi ở phía sau, ngăn cách với các hành khách khác bằng những tấm màn nhựa cao ba mét.
Quyết định của Mỹ là bước ngoặt hỗn loạn mới nhất trong hai tuần con tàu Diamond Princess bị cách ly.
Ngay trong lúc Mỹ đưa công dân về nước và một số quốc gia khác như Australia, Canada và Hàn Quốc đang chuẩn bị kế hoạch sơ tán công dân, Bộ Y tế Nhật cho hay đã có thêm 99 người được xác định nhiễm virus, nâng tổng số người dương tính với nCoV lên 454, trong đó bao gồm cả quan chức y tế công cộng thứ ba của Nhật, người đã nhiễm virus khi chăm sóc các hành khách và thành viên thủy thủ đoàn.
Sự gia tăng không lường trước được số ca nhiễm virus và nỗ lực bất chấp của Mỹ đưa công dân về nước, ngay cả sau khi một số người bị phát hiện nhiễm bệnh, làm dấy lên nhiều câu hỏi và chỉ trích về cách xử lý ổ dịch trên tàu.
"Biện pháp cách ly con tàu cuối cùng đã thất bại thảm hại", Eiji Kusumi, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm tại Phòng khám Navitas ở Tokyo, Nhật Bản, bình luận. "Chúng ta nên rút ra bài học từ câu chuyện này, rằng cách ly một con tàu là điều bất khả thi. Chúng ta không nên lặp lại sai lầm trong tương lai".
Sau quá trình bị cách ly dài ở Nhật, chính quyền Mỹ đã khuyến khích công dân trên tàu Diamond Princess chấp nhận lên chuyến bay sơ tán về nước. Nỗ lực đưa họ khỏi tàu tốn nhiều ngày lên kế hoạch, rà soát, kiểm tra hộ chiếu, để rồi cuối cùng, các hành khách được đưa lên những chiếc xe buýt từ cảng Yokohama tới sân bay Haneda ở Tokyo. Dù vậy, vẫn có 61 công dân Mỹ quyết định ở lại.
Khi được hỏi vì sao các quan chức Mỹ vẫn bắt đầu sơ tán hành khách dù không biết kết quả xét nghiệm của họ, bác sĩ William Walters, giám đốc phụ trách y tế tại Bộ Ngoại giao, ngày 17/2 trả lời phóng viên rằng điều này là "không thể đoán trước được".
Theo Bộ Ngoại giao, các công dân Mỹ được đưa lên khoảng 15 xe buýt tới sân bay. Khi biết tin có người dương tính với virus, những hành khách nhiễm bệnh "đã được di chuyển nhanh chóng và an toàn nhất có thể tới một khu vực cách ly chuyên dụng" ở phần cuối máy bay.
"Tại khu vực cách ly, họ không thể tạo ra thêm bất kỳ mối rủi ro nào", bác sĩ Walters khẳng định.
Sau khi hạ cánh, 14 người nhiễm được đưa tới bệnh viện để giám sát và điều trị. Những người còn lại được chuyển tới căn cứ không quân Travis ở California hoặc căn cứ San Antonio ở Texas. Họ sẽ lưu lại đây thêm 14 ngày nữa.
Khi một trong hai máy bay đáp xuống California, một hàng dài gồm các quan chức quân đội, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh cùng Bộ An ninh Nội địa chào đón các hành khách với những tấm biểu ngữ ghi dòng chữ nổi bật "Mừng trở về nhà".
Sau khi đi qua một lều cách ly, họ tiếp tục được phân vào các căn hộ bên trong căn cứ.
"Họ đưa các chuyên gia từ khắp đất nước tới", Sarah Arana, 52 tuổi, nhân viên y tế xã hội từ Paso Robles, California, cho biết. "Họ đã dồn một nguồn lực cực lớn. Tôi bị choáng ngợp".
Giới chuyên gia dịch tễ học cho rằng các quan chức Mỹ đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn khi quyết định để những hành khách nhiễm virus lên chuyến bay sơ tán.
"Bạn không muốn lây bệnh cho bất kỳ ai trên máy bay, những người đã cố gắng không bị nhiễm virus khi ở trên tàu", bác sĩ Allen Cheng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Monash ở Melbourne, Australia, nhận xét.
Australia đang có kế hoạch đưa khoảng 200 công dân nước mình khỏi du thuyền Diamond Princess vào ngày mai. Bác sĩ Cheng cho hay Australia đã quyết định "bất kỳ ai bị ốm hoặc có dấu hiệu ốm trong vòng 48 tiếng tới sẽ phải ở lại Nhật Bản và nhập viện".
Trong cuộc họp báo hôm qua, Shigeru Omi, chủ tịch Tổ chức Y tế Công Cộng Nhật Bản, khẳng định nước này đã ra quyết định đúng đắn khi cách ly con tàu vào ngày 3/2 ở Yokohama. "Lúc bấy giờ, cộng đồng quốc tế đang cố gắng ngăn chặn virus", ông nói.
Theo Bộ Y tế Nhật, ít nhất 55 người Mỹ trên tàu Diamond Princess đã bị nhiễm nCoV. Nhiều người trong số họ đang điều trị tại các bệnh viện ở Nhật Bản.
John Haering, 63 tuổi, đến từ Tooele, Utah, Mỹ, được chuyển tới bệnh viện ở tỉnh Chiba hồi tuần trước với triệu chứng sốt và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus. Ông cho biết bản thân cảm thấy như bị mắc kẹt khi nằm trong phòng cách ly.
Melanie, vợ ông, đã về Mỹ trên chuyến bay của chính phủ.
"Tôi mừng vì bà ấy đã rời khỏi đây và sẽ được chú ý hơn khi về Mỹ", ông nói. "Nhưng tôi cũng buồn. Bạn luôn cảm thấy mất mát khi ai đó rời đi".
Haering không còn biểu hiện bệnh hay bị sốt nhưng kết quả chụp CT cho thấy ông có dấu hiệu viêm phổi. Ông không biết sẽ phải ở lại Nhật trong bao lâu nữa.
"Tôi sẽ có kết quả xét nghiệm vào ngày mai", ông nói. "Tôi hỏi bác sĩ kết quả có âm tính không, ông ấy chỉ lắc đầu và bảo 'tôi không biết'. Có rất nhiều thứ họ không biết".
Haering cho hay ông không nhận được bất cứ thông tin nào từ Princess Cruises, công ty điều hành tàu Diamond Princess, từ lúc nhập viện đến nay. Tới tận hôm 16/2, ông cũng không có tin gì từ Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo.
"Thật đáng sợ. Tôi có cảm giác như mình bị bỏ rơi", ông nói.
Tung Pi Lee, 79 tuổi, bác sĩ đã nghỉ hưu, được đưa tới bệnh viện ở Tokyo vì nhiễm nCoV trong khi vợ ông, Angela, đã về California trên chuyến bay của chính phủ. Một số người họ hàng của họ nằm trong 14 hành khách bị nhiễm virus nhưng vẫn lên máy bay. Hai người được đưa tới Nebraska và một người khác ở lại California để điều trị.
"Tôi mừng vì cô và bác của tôi đã về Mỹ và được điều trị tại Mỹ", JoAnn LaRoche Lee, con gái Lee, chia sẻ. "Nếu bị bỏ lại Nhật, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ".
Trong nỗ lực phối hợp chăm sóc cha mình ở Tokyo với các anh chị em đang ở Mỹ, cô cho biết nó giống như "một cơn ác mộng không bao giờ chấm dứt".
Vũ Hoàng (Theo NYTimes)