Một tuần qua, kể từ khi Nghị định 38 về tăng lương tối thiểu vùng được Chính phủ ban hành, ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch Công đoàn Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) được chủ doanh nghiệp mời lên hai lần để lập phương án điều chỉnh lương từ ngày 1/7. Tuy nhiên, ông An chưa thể đưa ra ý kiến do mức lương thấp nhất công ty trả cho công nhân mới đã đạt 4,73 triệu đồng (cao hơn 7% lương tối thiểu vùng hiện hành là 4,42 triệu đồng), trong khi lương tối thiểu sắp áp dụng chỉ 4,68 triệu đồng.
Theo ông An, ở các nghị định trước, một nội dung rất quan trọng được quy định rõ là tiền lương thấp nhất trả cho lao động đã qua đào tạo phải cao hơn 7% mức tối thiểu vùng. Đây là cơ sở để công đoàn thương lượng với chủ doanh nghiệp xây dựng lương căn bản cho công nhân mới. Sau đó, cứ một năm làm việc người lao động sẽ được tăng thêm 5%.
Khi nhà nước điều chỉnh lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp buộc phải tăng thêm cho công nhân mới, nhằm thực hiện đúng quy định lao động đã qua đào tạo. Những người ở bậc cao hơn sẽ đồng loạt được tăng theo để đảm bảo các bậc trong thang, bảng lương cách nhau 5%.
Chủ tịch công đoàn của nhà máy gần 10.000 công nhân lo ngại nếu không còn quy định tăng 7% cho lao động đã qua đào tạo, doanh nghiệp sẽ không có lý do điều chỉnh bởi tiền lương thấp nhất đang áp dụng đã cao hơn 50.000 đồng lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38.
"Kỳ điều chỉnh này có nhiều áp lực", ông An nói. Công nhân chờ đợi sau gần hai năm lương không tăng, trong khi phía doanh nghiệp muốn cắt giảm chi phí tối đa để đầu tư sản xuất sau dịch. Nếu hai bên không có sự thấu hiểu sẽ dễ dẫn đến tranh chấp lao động.
Tương tự, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), lo ngại nhiều công nhân sẽ không được hưởng lợi từ Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng vừa ban hành.
Theo ông Hồng, mức lương thấp nhất nhà máy đang trả đã cao hơn mức tối thiểu sắp áp dụng 1%. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn lương tối thiểu để bảo vệ người lao động làm công việc giản đơn, đối với lao động đã qua đào tạo (bao gồm học việc tại nhà máy) thì tự thương lượng với chủ doanh nghiệp.
"Thực tế không có công nhân nào làm được việc này", ông Hồng nói. Lấy ví dụ bản thân, ông Hồng cho hay hơn 10 năm qua, công đoàn Nidec Việt Nam chỉ căn cứ vào quy định khoản tăng thêm 7% dành cho lao động đã qua đào tạo để thỏa thuận mức lương cơ bản cho công nhân mới. Sau đó, mỗi năm làm việc, lao động được tăng thêm 5%. Nếu không còn quy định này, chủ doanh nghiệp có quyền không tăng lương và công đoàn thiếu cơ sở pháp luật làm chỗ dựa để thương lượng tăng.
Lo ngại công nhân không được tăng lương từ ngày 1/7 của hai chủ tịch công đoàn ở TP HCM là hoàn toàn có cơ sở. Hiện hơn 90% các nhà máy xây dựng lương cơ bản đã cao hơn 7-10% so với lương tối thiểu hiện hành, theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quan hệ lao động. Trong khi lương tối thiểu sắp áp dụng vào ngày 1/7 chỉ cao hơn 6%.
Ông Phạm Anh Thắng (Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại TP HCM) lý giải, việc không đưa nội dung mức lương thấp nhất đối với người lao động qua đào tạo, dạy nghề phải cao hơn 7% so với mức tối thiểu đã được các cơ quan chuyên trách xem xét trên nhiều mặt.
Hiện, khi vai trò của tổ chức công đoàn được khẳng định, năng lực thương lượng của người lao động đã qua đào tạo được nâng cao thì phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong đàm phán về tiền lương. Hơn nữa, quy định cứng tỷ lệ phần trăm (%) dễ bị đánh giá là can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.
Mặt khác, tại Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương và Bộ luật Lao động năm 2019 cũng không còn nội dung "Chính phủ ban hành các nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương" mà để doanh nghiệp và người lao động thương lượng, quyết định dựa vào năng suất và kết quả lao động. Như vậy, việc không còn quy định "khoản 7%" chính là tạo cơ chế để các bên thỏa thuận mức lương theo thị trường.
Ông Mai Đức Chính, nguyên phó chủ tịch Tổng liên đoàn liên Việt Nam, nói khi góp ý sửa đổi Bộ luật Lao động 2019, công đoàn đề nghị cần phải có lộ trình bỏ quy định "khoản 7%" và bộ khung thang, bảng lương bởi phần lớn cán bộ công đoàn ở doanh nghiệp không được đào tạo về tiền lương, kỹ năng thương lượng hạn chế. Trong khi đó, đối với công nhân ở nhà máy, vai trò đàm phán của công đoàn rất quan trọng.
"Tuy nhiên đề nghị này không được chấp thuận", ông Chính nói. Nguyên lãnh đạo Tổng liên đoàn khuyến nghị để có được lợi ích tốt nhất cho công nhân, trong đợt điều chỉnh lương tối thiểu sắp tới, cán bộ công đoàn phải lấy cái gốc của luật cũ làm cơ sở thương lượng, không được thấp hơn.
"Kinh nghiệm thực tế cho thấy nếu bỏ những gì vốn có lợi cho người lao động rất dễ xảy ra phản ứng tập thể, gây bất ổn lao động", ông Chính đánh giá. Ngoài ra, công đoàn cần thúc đẩy thỏa ước lao động theo ngành, vùng quy định những điều khoản có lợi hơn so với luật để nhiều lao động được hưởng lợi.
Ông Chính ví dụ, năm 2010, Công đoàn dệt may Bình Dương ký thỏa ước lao động tập thể ngành may với nhiều điều khoản có lợi như tiền lương thấp nhất ở các nhà máy phải cao hơn mức tối thiểu vùng, bữa ăn ca phải theo giá thị trường. Lúc đó chỉ có 9 chủ sử dụng lao động tham gia, 4 chủ doanh nghiệp từ chối, song khi áp dụng, người lao động giữa các công ty so sánh buộc các ông chủ không ký kết cũng phải tuân thủ, nếu không công nhân sẽ đình công, bỏ nhà máy.
Ngoài ra, ông Chính nói rằng với những cơ sở còn yếu, công đoàn cấp trên phải tư vấn, hỗ trợ để thương lượng mức lương tốt nhất.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nói trong Nghị định 38 có điều khoản quy định những gì có lợi cho người lao động thì không được giảm. Tổng liên đoàn đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hướng dẫn làm rõ để công đoàn cơ sở có căn cứ thương lượng tiền lương với chủ doanh nghiệp.
Lê Tuyết