Các nhà nghiên cứu gần đây cảnh báo sự xuất hiện các biến thể nCoV có thể giảm hiệu quả của vaccine. Những đột biến nhỏ tại một "điểm" trên chuỗi gene dài như ở biến thể B.1.351 tại Nam Phi tương đối hiếm xảy ra nhờ hệ thống tự động đọc mã RNA của virus. Ngược lại, tái tổ hợp rất phổ biến ở nhóm virus corona.
Nhóm khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, do nhà virus học Mark Denison đứng đầu, đã nghiên cứu quá trình tái tổ hợp gene của nCoV và hai chủng virus corona khác. Họ phát hiện cả ba đều tái tổ hợp "trên diện rộng" khi được tái tạo riêng lẻ trong phòng thí nghiệm.
"Không nghi ngờ gì nữa, tái tổ hợp gene trong nCoV đang diễn ra", Nels Elde, nhà di truyền học tiến hóa tại Đại học Utah nhận định. "Thực tế, chúng ta đang đánh giá thấp những tác động của quá trình này, ngay cả khi các biến thể mới xuất hiện nhiều".
Nhóm bày tỏ lo lắng tái tổ hợp sẽ giúp các biến thể virus khác nhau kết hợp thành phiên bản nguy hiểm hơn trong cơ thể người. Đây có thể là những biến thể phát triển khác nhau tự phát trong cơ thể một người theo thời gian, hoặc đồng thời tấn công cơ thể. "Rất khó để dự đoán những mối nguy mà tái tổ hợp gene có thể gây ra", Elde nói. Ông cũng cho biết rất ít trường hợp một người nhiễm hai biến thể nCoV cùng một lúc.
Nhà dịch tễ học Katrina Lythgoe, từ Viện Dữ liệu Lớn Oxford, Anh, đồng quan điểm. Bà nhấn mạnh những biến thể nCoV mới, dù mang đột biến hiếm gặp, vẫn có thể có tác động lớn.
Tái tổ hợp cũng có thể giúp hai chủng virus corona khác nhau hoán đổi gene. Elde và các đồng nghiệp so sánh trình tự gene của các chủng virus corona, trong đó có nCoV và các chủng chỉ lây nhiễm gia súc. Sử dụng một phần mềm đặc biệt, nhóm phát hiện trong suốt nhiều thế kỷ tiến hóa, quá trình tái tổ hợp của nhiều virus đều liên quan tới đoạn gene tạo ra protein gai - vũ khí giúp virus tấn công tế bào người. Đây được đánh giá là vấn đề đáng lo ngại, có thể là con đường giúp các virus hỗ trợ nhau tấn công con người.
"Qua quá trình tái tạo, một virus vốn không có khả năng lây nhiễm sang người sau khi kết hợp với một virus như nCoV lại có thể tấn công con người", nhà virus học Stephen Goldstein giải thích.
Kết quả công bố hôm 4/2 đưa ra bằng chứng mới cho thấy các chủng virus corona có thể kết hợp với nhau một cách lộn xộn. Song, nghiên cứu mở ra một cánh cửa giúp các nhà khoa học tìm ra phương pháp điều trị Covid-19 mới. Một số nhóm đang nghiên cứu cơ chế tái tổ hợp của nCoV để cải thiện hiệu quả của các thuốc điều trị Covid-19 hiện tại, trong đó có remdesivir.
"Liệu tái tổ hợp gene có làm tăng nguy cơ bùng phát các đại dịch khác do virus corona gây ra vẫn chưa có câu trả lời chính xác", Vincent Munster, từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ phát biểu.
Song, ông cho biết các bằng chứng ngày càng nhiều. Trong nghiên cứu công bố hôm 5/2, Munster và các cộng sự giải thích nCoV và virus gây ra đại dịch SARS năm 2003 đều xuất hiện biến thể với protein gai có khả năng xâm nhập tế bào người nhanh chóng, khéo léo. Báo cáo kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn các virus corona, tránh các mối đe dọa tương tự Covid-19 tới loài người.
Lê Hằng (Theo NY Times)