Đề xuất của Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng CSGT, về việc tăng quyền sử dụng súng cho cảnh sát giao thông khiến dư luận quan tâm và dấy lên nhiều ý kiến trái chiều.
Theo người đứng đầu Cục CSGT, đối với trường hợp cụ thể như ôtô tải vi phạm không chấp hành hiệu lệnh lao vào người dân, cảnh sát phải có quyền được nổ súng để tiêu diệt, tránh nguy hiểm cho người tham gia giao thông. "Tuy nhiên hiện nay, cảnh sát giao thông muốn nổ súng tiêu diệt phải xin ý kiến lãnh đạo cấp cao, lúc đó thì quá muộn", ông Hà đặt vấn đề.
"Việc sửa đổi quy định pháp luật theo hướng tăng quyền sử dụng súng cho CSGT là cần thiết, nhằm giúp cảnh sát trong khi làm nhiệm vụ thêm vững vàng, bản lĩnh, nhất là khi xử lý những tình huống nguy cấp", ông Hà nói.
Từ thực tế lâu nay nhiều người vi phạm giao thông đã có hành vi chống lại người thi hành công vụ, một số ý kiến đồng tình với quan điểm trên của Cục CSGT, tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại CSGT sẽ lạm quyền, tùy tiện.
"Với trường hợp chống đối cảnh sát giao thông, cầm gậy, dao, gạch uy hiếp thì phải được bắn ngay chứ không chỉ bắn chỉ thiên như hiện nay", anh Mạnh Huấn ở Cầu Giấy, Hà Nội đưa ra quan điểm. Cũng theo anh Huấn, "trường hợp không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, chửi bới, xô đẩy, bỏ chạy thì chỉ cần bắn chỉ thiên, cảnh cáo".
Anh Tuấn Thành ở Đống Đa (Hà Nội) nêu vấn đề, "trường hợp xe tải bỏ chạy, nếu nổ súng bắn vào xe tải, lỡ tài xế chết, xe lật hoặc mất lái đâm vào người khác thì ai chịu trách nhiệm?". Theo anh Thành, CSGT có thể dùng các biện pháp nghiệp vụ như chụp hình biển số vi phạm, thông báo cho các chốt chặn bao vây, xử lý để tránh thiệt hại.
"Việc tăng thêm quyền hạn nổ súng cho cảnh sát rất dễ dẫn đến cảnh sát giao thông lạm quyền, lúc đó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng mà không biết ai là người phải gánh chịu", anh Trần Văn Xuân ở Hoàng Mai, Hà Nội băn khoăn.
Đồng tình với quan điểm không nên tăng thêm quyền sử dụng súng cho cảnh sát giao thông, Luật sư Phạm Thanh Bình, Giám đốc công ty Luật Bảo Ngọc cho rằng quy định pháp luật hiện hành đã nêu rõ quyền hạn của cảnh sát, được nổ súng như thế nào, do vậy không cần thiết phải bổ sung thêm quyền hạn trong lĩnh vực này.
Hơn nữa, cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên đường, hầu hết là xử lý lỗi vi phạm hành chính, việc tăng thêm quyền nổ súng sẽ dẫn đến tùy tiện. "Đơn cử như một tài xế xe tải vi phạm giao thông vì quên bằng, khi bị cảnh sát dừng xe thì bỏ chạy, lúc đó cảnh sát bắn chết người ta thì cũng không ổn", luật sư Bình phân tích.
Theo luật sư Bình, ở Mỹ vừa qua có nhiều vụ cảnh sát nổ súng gây chết người đã dẫn đến tranh luận, thậm chí biểu tình phản đối, vì vậy Việt Nam càng phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2011, lực lượng chức năng được nổ súng với các trường hợp: a) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc đe dọa sự an toàn của công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật; c) Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; d) Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; d) Đối tượng đang đánh tháo người bị giam, người bị dẫn giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm; người bị giam, giữ, bị dẫn giải, bị áp giải do phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đang chạy trốn hoặc chống lại; e) Được phép bắn vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa để dừng phương tiện đó trong các trường hợp sau, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế: Đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe doạ trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Khi biết rõ phương tiện đó do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; Khi biết rõ trên phương tiện cố tình chạy trốn có đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy số lượng lớn, tài sản đặc biệt quý hiếm, bảo vật quốc gia, trừ trường hợp trên phương tiện có chở khách hoặc có con tin; g) Động vật đang đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. |
Bá Đô
*Xem thêm