Quân đội New Zealand hôm 13/12 triển khai 8 lính đặc nhiệm để tìm kiếm, đưa 6 thi thể nạn nhân khỏi đảo núi lửa White sau vụ phun trào hồi tuần trước. Đây được đánh giá là một chiến dịch nguy hiểm, khó khăn, nhưng các đặc nhiệm này đã hoàn thành nhiệm vụ sau hơn 5 tiếng đổ bộ lên hòn đảo đang phủ đầy tro bụi núi lửa.
Danh tính đội đặc nhiệm này không được tiết lộ, nhưng họ được cho là các thành viên lực lượng đặc nhiệm không quân (NZSAS), đội quân tinh nhuệ bậc nhất của New Zealand, sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhất.
NZSAS được thành lập ngày 7/7/1955 theo mô hình đặc nhiệm SAS của Anh, sau khi các lãnh đạo New Zealand nhận thấy một lực lượng đặc nhiệm nhỏ cũng có thể đóng góp những giá trị chiến lược cho đồng minh.

Trực thăng chở đặc nhiệm New Zealand tới đảo White sáng 13/12. Ảnh: AFP.
Để trở thành thành viên NZSAS, các ứng viên phải trải qua một quá trình hành hạ cả thể xác và tâm lý đến cực hạn. Hàng năm có hàng chục người tham gia ứng tuyển vào lực lượng này, nhưng tỷ lệ vượt qua chương trình tuyển chọn thường không vượt quá 3%. Chỉ 31 người trở thành binh sĩ NZSAS trong số 243 ứng viên đăng ký giai đoạn 2013-2017.
"Trong 10 ngày tuyển chọn, các ứng viên sẽ bị đẩy đến giới hạn. Họ chỉ có thể dựa vào động lực của chính bản thân để vượt qua", chuyên gia tâm lý Alia Bojilova của NZSAS cho biết. Họ bị giới hạn về đồ ăn và gần như không có giấc ngủ trọn vẹn trong suốt quá trình này.
Hai ngày đầu, các ứng viên sẽ trải qua giai đoạn chọn lọc. Họ phải hoàn thành các bài kiểm tra thể chất của quân đội New Zealand như chống đẩy, đứng lên ngồi xuống và cơ động trong thời gian cho phép.
Ác mộng thực sự đến từ ngày thứ ba khi các ứng viên phải vượt vật cản và bơi với đầy đủ quân trang, sau đó hành quân nhanh với 35 kg trang bị. Các bài kiểm tra sẽ ngày càng tăng cường yêu cầu tốc độ và sức bền. Họ sẽ phải đối mặt với tình trạng phồng rộp, đau nhức, thậm chí trẹo chân trong suốt quá trình này.
"Nhiều ứng viên đã suy sụp tinh thần và bật khóc vì không đủ nghị lực. Kỹ năng quân sự cơ bản, thể chất và sức bền rất quan trọng, nhưng yếu tố then chốt để vượt qua bài kiểm tra là tinh thần thép và sự tập trung. Những người muốn bỏ cuộc đều không trụ được quá nửa khóa tuyển chọn", John McLeod, người từng phục vụ 18 năm và theo dõi nhiều đợt tuyển tân binh cho NZSAS, tiết lộ.

Ứng viên hành quân trong giai đoạn tuyển chọn của NZSAS. Ảnh: NZ Herald.
Trong giai đoạn cuối, ứng viên phải tham gia bài kiểm tra "von Tempsky", đặt theo tên binh sĩ người Phổ Gustavus Ferdinand von Tempsky hồi thế kỷ 19.
Mỗi binh sĩ sẽ phải hành quân trong hơn 20 tiếng với quân trang nặng 36 kg kèm theo can nước 20 lít. Họ phải vượt qua đầm lầy, bụi cây và những cồn cát sa mạc. Mỗi đơn vị sẽ được phát thừa một can 20 lít và mỗi ứng viên sẽ phải thay phiên vác thêm gánh nặng này. Cuối cùng, mỗi người phải hành quân thêm 60 km với 45 kg trang bị.
"Cơ thể luôn phải hoạt động không ngừng nghỉ trong những ngày cuối cùng, nhiều người đổ gục và bò về đích trong khoảng 5-10 m cuối", Bojilova nói.
Sau khi vượt qua quá trình tuyển chọn, ứng viên sẽ tiếp tục đối mặt với 9 tháng huấn luyện. "Giai đoạn này xây dựng dựa trên nguyên tắc 'học bò rồi mới lo học chạy'. Họ phải tìm hiểu về nền tảng, nguyên tắc nhiệm vụ trước khi được rèn luyện lên mức cao hơn", Stephen, thành viên NZSAS, cho biết.
Họ được học kỹ năng cứu hộ, phá hoại, tác chiến trong rừng, bắn tỉa, cứu thương, sử dụng nhiều loại vũ khí. Ứng viên cũng được rèn luyện cách ứng phó khi bị phục kích và những chiến thuật để tránh bị đối phương phát hiện. Các bài tập diễn ra xuyên đêm và kéo dài nhiều ngày, thậm chí là vài tuần. Ứng viên sẽ lập tức bị loại nếu không hoàn thành bất kỳ khoa mục nào trong giai đoạn này.
"Các ứng viên phải ngồi bất động trong bụi cây, bố trí phục kích bằng mìn định hướng chống bộ binh. Khi bình minh lên, mìn được kích nổ và cả đơn vị như đội mồ sống dậy", McLeod nhớ lại.
Họ cũng tham gia các bài tập hiệp đồng với sự tham gia của trực thăng, máy bay, xuồng cao tốc. "Nếu không hoàn thành nội dung hành quân đường trường mang vác nặng trong thời gian cho phép hoặc chần chừ khi nhảy dù, ứng viên sẽ bị loại", tiến sĩ Rhys Ball, người nghiên cứu về NZSAS ở đại học Massey của New Zealand, cho biết.

Một binh sĩ lực lượng NZSAS. Ảnh: MilitaryLeak.
Lẩn trốn và đối phó thẩm vấn cũng là nội dung quan trọng khi huấn luyện. Các ứng viên sẽ bị bịt mắt, đưa lên xe tải giữa đêm đông và thả ở thao trường Waiouru với một tấm bản đồ, sau đó nhận lệnh đến gặp ai đó ở tọa độ cho sẵn.
Họ sẽ phải tìm cách tránh rơi vào tay đối phương giả định trong vòng một tuần tiếp theo, chỉ được cung cấp một túi thực phẩm gồm vài lát bánh mì, vài củ khoai tây và một miếng thịt sống.
Bài tập kết thúc bằng 30 giờ thẩm vấn đầy khắc nghiệt, mô phỏng tình huống bị đối phương bắt. Ứng viên bị bịt mắt và nếm trải nhiều kỹ năng tra tấn. Họ sẽ bị loại nếu tiết lộ thông tin về tên, cấp bậc, số hiệu và ngày sinh.
Sau khi vượt qua 9 tháng huấn luyện và đáp ứng được các yêu cầu tác chiến, ứng viên sẽ trở thành lính đặc nhiệm NZSAS với biểu tượng là con dao găm và đôi cánh trên quân phục.
Duy Sơn (Theo New Zealand Herald)