Tuyên bố "không chịu trách nhiệm đối với những trường hợp do Đỗ Trọng Hải gây ra" của Toyota Giải Phóng (TGP) hôm qua dội gáo nước lạnh vào những người bị hại. Không chấp nhận cách giải quyết này, 13 khách hàng đã đồng loạt làm đơn tố cáo đại lý này lên cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ C15, Bộ Công an.
Khách hàng thẫn thờ khi nghe thông báo của Toyota Giải Phóng. |
Những người bị hại cho rằng TGP là đơn vị quản lý nhân viên Đỗ Trọng Hải nên phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự việc chứ không thể trốn tránh khách hàng. Theo họ, diễn biến của sự việc xuất hiện những dấu hiệu lừa đảo, chiếm dụng tài sản một cách có hệ thống.
Các tin bài liên quan * Toyota Giải Phóng tuyên bố: 'Không chịu trách nhiệm' |
Lý lẽ được đưa ra là tất cả khách hàng đều đến làm việc và đặt cọc cho Đỗ Trọng Hải ngay tại trụ sở của TGP, đóng tại 807 đường Giải Phóng, Hà Nội. Trong khi thực hiện việc nhận tiền, anh Hải đeo thẻ nhân viên với chức danh Trợ lý phòng Kinh doanh. "Nếu phủ nhận trách nhiệm, Toyota Giải Phóng chẳng khác gì đã cho anh Hải mượn địa điểm, mượn chức danh để lừa đảo khách hàng", chị Nguyễn Phương Anh, trú tại 11 Lê Ngọc Hân bức xúc.
"Chúng tôi sẽ không thể làm gì nếu việc giao nhận tiền diễn ra ở nơi nào khác. Vấn đề là mọi việc lại xảy ra ở ngay trụ sở này", anh Long - một người bị hại khác nói thêm.
Những khách hàng đến TGP đều được Đỗ Trọng Hải tiếp đón và tư vấn. Sau đó, họ đặt cọc tiền cho Hải theo giấy biên nhận giữa hai bên với nhau, không có dấu của TGP. Sự việc diễn ra ngay tại sảnh hoặc phòng tiếp khách của đại lý - nơi mà ai đi qua cũng có thể nhìn thấy..
Số tiền mà Hải nhận được của khách diễn ra đều đều trong các ngày 15/1 đến ngày 29/1. Một số người đã nhận được hợp đồng vài ngày sau, số khác chỉ dừng lại ở giấy biên nhận. Anh Trần Xuân Thắng ở Thanh Nhàn, Hà Nội thừa nhận khi cầm giấy biên nhận viết tay vào ngày 27/1, anh cũng cảm thấy có cái gì đó không bình thường. "Tuy nhiên, khi tôi gọi điện cho người quen từng mua xe của Hải nhiều lần thì được trả lời tất cả chỉ có vậy, không cần thêm gì khác", anh nói.
Anh Bùi Mạnh Tiến, giám đốc doanh nghiệp vận tải đưa ra chứng cứ cho thấy có những người chỉ cần giấy biên nhận của Hải là đã có hợp đồng và được giao 4 chiếc Innova. "Rõ ràng với quy trình mua bán này, khách hàng hoàn toàn có thể nhận xe một cách bình thường. TGP từng chấp nhận như vậy", anh Tiến phân tích.
Trong quy định, TGP cấm nhân viên tự ý nhận tiền của khách. Tuy nhiên, với những trường hợp mua bán thành công trước đó thì Hải là người giúp người mua nộp tiền cho TGP. Do đó, nghi vấn đặt ra là tại sao khi Hải nộp tiền giúp khách cho TGP, đại lý lại không ngăn chặn ngay.
"Sự việc mua bán trao tay kéo dài đến như vậy chứng tỏ một mình Hải không thể làm được. Ở đây có dấu hiệu của sự tiếp tay, hoặc quản lý lỏng lẻo nên mới dẫn tới tình trạng nhiều người cùng bị lừa một lúc", một vị khách kết luận.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu tại TP HCM (từng làm đại lý bán hàng cho một liên doanh ôtô trong nước) nhận xét: "Đó là lỗ hổng chết người trong khâu bán hàng. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Toyota Giải Phóng đúng là gặp vận đen".
Theo ông, dù các đại lý đều đề ra quy chế bán hàng riêng song trong nhiều tình huống họ vẫn chấp nhận cho nhân viên của mình trực tiếp bán hàng, tư vấn và nhận tiền của khách. "Do vậy, khi xảy ra chuyện dù trong giấy biên nhận có dấu hay không có dấu đỏ của công ty thì vì uy tín thương hiệu thì đại lý cũng cần có trách nhiệm với khách hàng", vị này nhận xét.
Hồng Anh - Trọng Nghiệp