Sân bay Sharm el-Sheikh tuần qua trở thành tâm điểm chú ý khi chiếc máy bay của Nga xuất phát từ đây hôm 31/10 rơi trên bán đảo Sinai, Ai Cập, khiến toàn bộ 224 người trên khoang thiệt mạng, theo AP.
Trước đó, tình báo Anh, Mỹ bày tỏ nghi ngờ có ai đó nắm quyền tiếp cận khoang hành lý máy bay Nga đã gài bom. Thông tin trên được hé lộ sau khi chiến dịch tình báo chung Anh - Mỹ sử dụng vệ tinh phát hiện các cuộc liên lạc điện tử giữa phiến quân IS ở Syria và Ai Cập. Giọng điệu và nội dung thông điệp thuyết phục các nhà phân tích rằng bom được một hành khách hoặc nhân viên mặt đất của sân bay đưa lên khoang.
7 quan chức an ninh tại sân bay Sharm el-Sheikh, trong đó một số người từng làm việc ở đây hơn 10 năm, cho hay những vấn đề mà nơi này gặp phải tương đối nghiêm trọng. Điển hình như việc máy quét hành lý liên tục trục trặc. Tình trạng này đã được báo cáo lên cấp trên nhưng đến nay người ta vẫn chưa thay thế nó.
Một người khác thêm rằng vấn nạn hối lộ những nhân viên cảnh sát điều khiển các máy quét X quang cũng thường diễn ra. "Tôi không thể nhớ nổi bao nhiêu lần mình bắt gặp những túi chứa đầy ma túy hay vũ khí mà họ cho qua chỉ để lấy 10 euro tiền hối lộ", ông này nói.
Tất cả các quan chức an ninh sân bay đều khẳng định chiếc máy soi CTX 10 năm tuổi tại khu vực sàng lọc hành lý ký gửi đã bị hỏng. Một người nhận xét máy hỏng là do "sự ngu ngốc của con người" chứ không phải bởi lỗi kỹ thuật.
"Tôi từng thấy có người rút phích cắm của nó để tiết kiệm điện", ông nói.
Tuy nhiên, khi các chuyên gia quốc tế tới thị sát thì chiếc máy soi lại hoạt động rất tốt, một người khác quả quyết.
"Chúng tôi chỉ quan tâm đến những thứ bề ngoài", ông này nói. "Khi họ nghe được có ai đó chuẩn bị đến thăm, bỗng dưng mọi việc lại đâu vào đấy. Chúng tôi mong giá như mỗi ngày đều có những chuyến thăm như thế".
Những người khác thì cho rằng việc máy soi bị hỏng "cũng không mấy quan trọng" bởi khi hoạt động bình thường thì người ta cũng chỉ dùng nó để kiểm tra mẫu một số túi hành lý mà thôi, không phải tất cả.
Ngoài ra, công tác quản lý tại cửa vào khu vực tiếp đồ ăn và nhiên liệu cho máy bay cũng không được quan tâm. Theo đó, các khách sạn địa phương cung cấp thực phẩm cho một số chuyến bay có thể trực tiếp vận chuyển chúng lên máy bay mà không phải trải qua bất kỳ khâu kiểm tra nào.
Bảo vệ tại cửa vào thường để các chuyến hàng này đi qua rất dễ dàng chỉ bởi họ quen biết với nhân viên vận chuyển. Thỉnh thoảng, các bảo vệ cũng bị mua chuộc bởi một hoặc hai bữa ăn để cho phép xe tải ra vào mà không cần kiểm tra nhằm tiết kiệm thời gian.
"Chẳng ai lại đi lục soát bạn bè hoặc bạn của bạn", một quan chức nói. "Điều đó thật thô lỗ".
Magdy Salim, quan chức cấp cao đã nghỉ hưu thuộc Bộ Du lịch Ai Cập, xác nhận tình trạng trên. Ông còn cho biết những người đi xe đẹp hoặc trông có vẻ dễ thương cũng rất hay tránh được khâu kiểm tra.
"Quy trình an ninh sân bay ở Ai Cập hầu như đều rất tồi tệ" và bị ảnh hưởng trầm trọng bởi "sự thiếu thốn", ông Salim nhấn mạnh.
Vũ Hoàng