Tại cuộc họp giao ban trực tuyến 6 tháng đầu năm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này vừa báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tới Việt Nam.
Lãnh đạo ngành Công Thương cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế, còn là cạnh tranh quyền lực, là cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mỹ không chỉ áp các biện pháp thuế, còn cả các biện pháp phòng vệ thương mại với các nước đồng minh.
"Việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm nước này, gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ..., tràn vào Việt Nam", ông Tuấn Anh nêu. Vì vậy, ông cho rằng, Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức.
6 tháng cuối năm, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công thương) dự báo xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là việc các nước tăng cường áp dụng biện pháp bảo hộ khiến xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, thách thức với Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là hiện hữu do Việt Nam đã hội nhập, mọi biến động kinh tế thế giới đều có thể "dội vào". Theo ông, điểm khó trong cuộc chiến này là không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào, một tháng, một năm hay lâu hơn nữa. Do đó, khó đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó.
Cũng theo ông Chinh, có thể Mỹ sẽ áp dụng chính sách này đối với các nước xuất siêu sang Mỹ. "Thuận lợi hay không cần phải nghiên cứu thêm, nhưng thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ”, ông Chinh nói.
Giải pháp ứng phó trước mắt của Việt Nam, theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu là thực hiện song song ba giải pháp như tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu.
Nếu chính trị, kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục thuận lợi và khó khăn đan xen, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018, như điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD, máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD, dệt, may là 28,5 tỷ USD...
Về nhập khẩu dự báo cả năm sẽ đạt 240 tỷ USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng cần nhập khẩu là 214,7 tỷ USD; nhóm cần kiểm soát đạt 14,8 tỷ USD... Những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 27,3%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 18,8%...
Nguyễn Hoài