-
11h30
Quốc hội kết thúc phiên làm việc sáng nay. Các đại biểu tiếp tục thảo luận từ 14h ngày 9/11.
-
10h45
4.000 quân nhân nhiễm Covid-19 khi tham gia chống dịch ở TP HCM
Đại biểu Phan Văn Xựng (Chính ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong thời gian giúp TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, hơn 4.000 quân nhân đã bị nhiễm Covid-19. Dù vậy, cán bộ, chiến sĩ vẫn giữ bản lĩnh chính trị vững vàng, tính tổ chức, kỷ luật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
"Có quân nhân nhiễm Covid-19, được điều trị khỏi thì tình nguyện ở lại phục vụ người bệnh. Nhiều người có người thân qua đời đã nén đau thương ở lại đơn vị chống dịch", ông nói.
Theo Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM, với tinh thần tìm đến nhân dân để biết nhân dân cần gì, không để nhân dân phải tìm bộ đội, thời gian qua, các đơn vị toàn quân đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, huy động tối đa nguồn lực vừa chống dịch vừa đảm bảo nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Trong các đợt dịch vùng phát, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động, tăng cường lực lượng, trang thiết bị phương tiện cao nhất, tốt nhất, hiện đại nhất để hỗ trợ cho các địa phương.
Đặc biệt, Quân đội đã điều động hơn 133.000 quân hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch (bộ đội hơn 33.000, dân quân hơn 99.000). Riêng lực lượng quân y tăng cường khoảng 9.800, triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân covid-19 với 6.600 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm, tăng cường xuống cơ sở thực hiện truy vết, xét nghiệm, tiêm ngừa, tư vấn sức khỏe và điều trị F0 tại nhà có hiệu quả.
Bộ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn thành phố và các tỉnh phía Nam, chỉ đạo quân đội, dân quân phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuần tra, chốt chặn, tiếp tế lương thực, đảm bảo an sinh... Toàn quân huy động hơn 6.200 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay; vận chuyển gần 25.500 tấn hàng hóa; thu hoạch nông sản giúp nông dân và vận chuyển trên 15.000 túi an sinh đến từng hộ gia đình.
Quân đội cũng tổ chức khâm liệm, hỏa táng người tử vong vì Covid-19, bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân bị mất. Hiện nay, quân đội đang chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương phối hợp chức năng bàn giao kỷ vật người tử vong cho gia đình. "Dịch bệnh còn diễn biến phức tạo, tôi đề nghị Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, các bộ, ngành chức năng chủ động dự báo và có kịch bản chỉ đạo phòng chống dịch hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 128, tránh để dịch bùng phát, gây mất mát lớn về kinh tế, xã hội và tính mạng của người dân", vị đại biểu TP HCM nói.
-
10h30
Kinh tế tăng trưởng chưa bền vững
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, kinh tế Việt Nam ở góc độ tăng trưởng nhanh đã được duy trì trong những năm gần đây, song khía cạnh bền vững chưa đạt được; thể hiện ở thu ngân sách vẫn phụ thuộc nhiều vào đất đai, khai thác tài nguyên; tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng nhưng chủ yếu đến từ khu vực FDI; các vấn đề ô nhiễm môi trường vẫn còn nhức nhối.
Theo ông Hùng, để đạt được sự bền vững trong vĩ mô, Chính phủ cần quan tâm đến ba chỉ tiêu lớn, là chỉ số năng suất lao động bình quân, hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) và chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).
Ở chỉ số năng suất lao động bình quân, ông Hùng cho rằng mục tiêu 6,5% cho giai đoạn 5 năm sắp tới cần đẩy nhanh hơn nữa. Theo số liệu thống kê 2020, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn hẳn các nước láng giềng trong khu vực, chỉ bằng 7,6% của Singapore, 19,5% của Malaysia, 37,9% của Thái Lan. Ông Hùng cho rằng, có 4 lý do chính khiến chỉ tiêu còn thấp, là thất nghiệp hiện tại vẫn còn cao, trình độ năng lực lao động còn thấp, công nghệ lạc hậu, việc sản xuất vẫn chủ yếu gia công. "Chúng ta cần có giải pháp thúc đẩy điều này", ông Hùng nêu quan điểm.
Với chỉ số hiệu quả sử dụng vốn (ICOR), mức trung bình 6,1 trong giai đoạn 5 năm gần nhất cũng là con số cao so với nhiều nước trong khu vực, phản ánh hiệu suất của nền kinh tế, hiệu suất sử dụng vốn của Việt Nam còn thấp. Nhật Bản những năm 70 hay Hàn Quốc những năm 80 đạt hệ số ICOR chỉ 2,5-3, các nước láng giềng trong khu vực cũng chỉ trong khoảng 3,5-4.
"Tôi cho rằng có ba nguyên nhân chính khiến hiệu quả sử dụng vốn thấp, là phân bổ đầu tư không hợp lý, cơ cấu vốn đầu tư không phù hợp và quản lý đầu tư còn nhiều bất cập, yếu kém. Đây là những vấn đề Chính phủ cần quan tâm tháo gỡ", ông Hùng nói.
-
10h15
Cần xây chung cư cho công nhân ở gần khu công nghiệp
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) nêu thực trạng thu nhập của công nhân hiện nay chỉ cơ bản đủ trang trải. Tích lũy ít, nhà trọ nơi công nhân ở chật hẹp, không đáp ứng được điều kiện sống tối thiểu.
Trung ương đã có chủ trương đầu tư xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi công cộng phục vụ lâu dài cho công nhân có thu nhập thấp. Vì vậy, ông cho rằng cần có quy hoạch tổng thể khu công nghiệp, xác định quy mô sử dụng lao động, quy hoạch phân khu nhà ở cho công nhân.
"Cần sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng nhà chung cư gần khu công nghiệp để bán trả góp, cho công nhân thuê; gắn với hệ sinh thái từ trường học, bệnh viện, phương tiện công cộng để phục vụ gia đình công nhân", ông Ấn nói, cho rằng chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất của Bộ Xây dựng, xây dựng nhà ở cho công nhân ở TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương đề ra rất ấn tượng nhưng "chưa mang tính tổng thể".
-
10h10
Quan tâm hơn đến ứng phó với biến đổi khí hậu
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói biến đổi khí hậu đã và đang gây ra thiệt hại ở nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, việc triển khai những quy định chống biến đổi khí hậu trong thực tiễn chưa đạt yêu cầu, ứng phó còn bị động, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Khu vực miền núi, duyên hải miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tác động biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc huy động các nguồn tài chính cho kế hoạch này chưa được thực hiện thỏa đáng.
Trong những năm gần đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm việc tham gia các hiệp ước, cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã có những cam kết rõ ràng, tích cực vào cuộc chiến này. Để làm được mục tiêu này, đại biểu kiến nghị Chính phủ rà soát và đảm bảo việc lồng ghép nội dung chống biến đổi khí hậu trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế. Chính phủ cần tập trung nguồn lực thực hiện một số dự án trọng điểm, đồng thời rà soát quy hoạch phát triển các ngành sản xuất như điện, thép, xi măng nhằm chủ động thực hiện kiểm soát việc giảm khí thải nhà kính.
"Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm va giai đoạn 10 năm, là thời điểm phù hợp nhất xây dựng chiến lược chống biến đổi khí hậu", ông Tuấn Anh đề nghị.
-
10h00
'Nếu được đảm bảo thu nhập, chúng tôi sẽ không thua kém nhân lực ngành y trong khu vực'
Từ kinh nghiệm tham gia chống dịch tại nhiều địa phương, đồng thời tham khảo thực tế ở châu Âu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nêu 5 đề xuất về phòng chống Covid-19.
Thứ nhất, các cơ quan cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ nhóm dân số nguy cao nếu bị Covid-19 tấn công, như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai.... Đồng thời, phải có biện pháp bảo vệ các cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch. Ngành y tế cần sớm tiêm đủ mũi một cho tất cả dân số bởi khi tiêm mũi một cũng đã giảm tỷ lệ tử vong.
Thứ hai, ông đề nghị triển khai ứng dụng trong việc phát hiện, theo dõi, điều trị Covid-19 trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng cục bộ, "đầu voi đuôi chuột" như vừa qua. Theo ông Hiếu, rào cản lớn nhất là các cơ quan nhà nước chưa thống nhất về quy định, quy trình, chưa tường minh dẫn đến hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin còn khiêm tốn so với tiềm năng của lĩnh vực này. Ông cho rằng, các ứng dụng cần xây dựng trên tiêu chí đơn giản và rộng mở. Đơn giản là mọi người dân đều có thể sử dụng được, thời gian ngắn nhất; rộng mở là có thể tích hợp với tất cả các phần mềm sẽ triển khai trong tương lai.
Thứ ba, ông Hiếu đề nghị mở cửa từ từ, theo khuyến cáo y khoa chứ không mở cửa cảm tính. Hiện nay, Việt Nam đã không còn theo đuổi "zero Covid", vì vậy, không cần cách ly đại trà diện rộng với F1, F2, F3; nếu F1 đã âm tính thì không còn F2, F3.
Người dân trở lại cuộc sống bình thường theo quy tắc sống an toàn với dịch. "Chúng ta không sợ Covid-19, nhưng cũng không chủ quan để dịch bùng phát diện rộng. Tôi tin Bộ Y tế đã chuẩn bị các nguyên tắc cụ thể, chỉ cần địa phương lắng nghe, tin tưởng thực hiện. Thủ tướng cũng từng khẳng định không dùng chiến thuật zero Covid nữa mà mở cửa an toàn", PGS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu.
Thứ tư, ngành y tế cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất ở cấp huyện, xã phường; đưa mục tiêu y tế vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thứ năm, ông Hiếu bày tỏ, "khi cầm tấm bằng khen về công tác phòng chống dịch, trong tôi luôn có hai luồng tình cảm trái ngược. Có niềm vui nhưng buồn nhiều hơn. Buồn vì nhiều người xứng đáng hơn tôi chưa được ghi nhận. Buồn vì những thiệt thòi của ngành ai cũng nhận thấy lúc này, nhưng sau dịch thì chưa chắc đã thay đổi được".
Vì vậy, ông mong muốn chế độ chính sách, những bất cập của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra sau đại dịch. "Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, nhưng lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra mà sao thay đổi khó vô cùng", ông Hiếu nói.
Theo ông, một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc vị giám đốc ấy đã nắm vững về quản lý hoặc các quy định lắt léo hiện hành nên "rất cần các cơ chế rõ ràng để được mua sắm trang thiết bị, thuốc men, mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn".
Ông nêu dẫn chứng, khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đồng thời đã bổ nhiệm một người khác phụ trách mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. "Với mô hình mới đó, bệnh viện đã hoạt động trơn chu, hiệu quả cho dù được thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách. Đây là ví dụ cho thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn nhận hậu quả lớn hơn", ông nói.
"Tôi tin chắc với những gì cán bộ y tế chúng tôi đã thực hiện trong thời gian qua, nếu được bảo đảm thu nhập để yên tâm công tác thì chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất cứ ngành y nào ở trong khu vực", đại biểu Nguyên Lân Hiếu bày tỏ.
-
9h10
Đề nghị sửa luật Hợp tác xã
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó đoàn Phú Thọ) cho rằng, cần đẩy mạnh kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác, điển hình là hợp tác xã, liên kết rộng rãi người lao động, hộ sản xuất thích ứng với tình hình mới. Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, đến tháng 6/2021 có 26.000 hợp tác xã, trong đó hợp tác xã nông nghiệp là trên 17.000, phi nông nghiệp trên 7.000, quỹ tín dụng nhân dân là 1.100. Hợp tác xã thu hút trên 8,6 triệu thành viên, tạo việc làm cho trên 2,4 triệu lao động.
Theo ông, hợp tác xã đã tích cực tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, nhưng kinh tế tập thể hợp tác xã còn hạn chế. Đó là số lượng, chất lượng phát triển không đều giữa các vùng, địa phương, quy mô đa số còn nhỏ, năng lực nội tại yếu kém, tính liên kết giữa các thành viên chưa chặt chẽ, sức cạnh tranh còn yếu.
Để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, ông đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm hơn đến khu vực này, thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành, nhất là nâng cao nguồn nhân lực cho hợp tác xã, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư nguồn lực, kết cấu hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp, liên kết thị trường tiêu thụ, sản xuất bền vững.
"Cần sửa đổi những bất cập trong quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, trình Quốc hội xem xét trong thời gian tới", ông Nam nói, đề nghị tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
-
9h00
Chất lượng dạy trực tuyến chưa đảm bảo
Góp ý về việc dạy học trực tuyến, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Ủy ban Văn hóa, Giáo dục), cho rằng, dạy học trực tiếp mang lại hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên việc đến trường của học sinh có thể phải tạm dừng bất cứ lúc nào. Dạy trực tuyến là lựa chọn phù hợp thời gian qua.
Tuy nhiên, dạy trực tuyến đã bộc lộ nhiều hạn chế, chất lượng dạy học chưa đảm bảo; chất lượng đường truyền không ổn định. Nhiều thầy cô giáo lớn tuổi gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo bà Hà, chất lượng dạy trực tuyến bị ảnh hưởng một phần bởi thiết bị chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Dù Chính phủ đã phát động chương trình Sóng và máy tính cho em, nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
Hơn nữa, học trực tuyến phải ngồi lâu, học sinh lo lắng khi giảm tương tác với thầy cô, bạn bè. Giáo viên bị áp lực tâm lý hơn bởi không chỉ dạy cho học sinh nghe mà còn có cả phụ huynh, dư luận xã hội.
-
8h35
'Cần sớm đánh giá hiệu quả quy định thích ứng an toàn'
Ông Mai Văn Hải - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, nói sau đợt dịch thứ 4, người lao động ở TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê đông, khiến tình hình khó kiểm soát. Số ca mắc gần đây tăng, chi phí xét nghiệm còn nhiều vấn đề. Do đó, ông Hải đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo, sớm đánh giá lại quy định tạm thời về việc thích ứng an toàn. Từ đó, có điều chỉnh phù hợp, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, giảm số ca mắc, giảm ca tử vong.
Theo ông, thực tế người dân từ các tỉnh phía Nam về quê, một số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, cách ly tại nhà nhưng do điều kiện không đảm bảo, ý thức hạn chế, nên đã lây nhiễm cho người thân trong gia đình và người xung quanh, phát sinh ổ dịch khó kiểm soát. "Thực tế này cho thấy người dân về quê nguy cơ mang mầm bệnh cao, đề nghị khuyến khích cách ly tập trung nơi có điều kiện để phòng chống dịch, không lây lan cho cộng đồng", ông nói.
Cạnh đó, kinh phí cho việc xét nghiệm, sàng lọc nhóm có nguy cơ cao rất lớn, nhất là tại các bệnh viện. Vì vậy, "nếu không có giải pháp thu một phần hoặc toàn bộ với xét nghiệm sàng lọc thì sẽ là gánh nặng cho cơ sở khám chữa bệnh và ngân sách địa phương".
-
8h35
'Cắt giảm các khoản chi không cần thiết'
Góp ý về vấn đề kinh tế, đặc biệt là cân đối thu chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Tạo "tha thiết đề nghị Chính phủ cắt giảm các khoản chi không cần thiết", điều tiết các dự án chậm triển khai, hoặc triển khai không hiệu quả.
Theo ông, Chính phủ cần phấn đấu tăng thu ngân sách từ các nguồn còn dư địa, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm, các vùng động lực tăng trưởng mới. Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trung hạn cũng cần được quan tâm hơn, lấy đầu tư công để dẫn dắt, thúc đẩy đầu tư xã hội.
"Chính phủ cần có chế định đủ mạnh để thống kê đất đai, tài nguyên, khoáng sản, mặc dù đây là nguồn lực lớn nhưng số thu rất hạn chế", ông Tạo nêu ý kiến.