36 đại biểu đã đăng đàn trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 9/11, với nhiều ý kiến tập trung vào lĩnh vực y tế và công tác phòng, chống dịch.
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM) nêu vấn đề cần làm sao để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương mạnh dạn thể hiện rõ vai trò trong việc tham mưu chính sách; tránh trường hợp "khó thì đưa về địa phương, còn dễ và đúng quy định Trung ương làm".
Bà Châu cho biết vừa qua các địa phương cần xin ý kiến trong bối cảnh chống dịch "nước sôi lửa bỏng" song đã gặp nhiều khó khăn. Bà dẫn chứng, một lô hàng 22.000 hộp sữa do kiều bào ở Australia gửi tặng trẻ em tại TP HCM đã "gần một tháng chưa lấy ra được thì lỗi do ai?".
Khi lô hàng về, Mặt trận Tổ quốc TP HCM xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Cục Thú y trả lời trong hai ngày, nhưng Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP HCM xin ý kiến Chính phủ.
"Chúng tôi gửi văn bản đến Chính phủ thì sẽ giao về Cục An toàn thực phẩm trả lời. Vậy tại sao Cục không nêu chính kiến, đồng thời gửi văn bản đến Chính phủ thông báo nội dung này. Cách làm của Cục đúng quy trình, nhưng không đúng tinh thần chống dịch như chống giặc", bà Tô Thị Bích Châu nói.
Bà Châu đề nghị quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị trong việc tham mưu cho Chính phủ nhằm đảm bảo giải quyết tốt nhất các vấn đề đặt ra để phục vụ người dân.
Thiếu tướng Phan Văn Xựng (Chính ủy Bộ Tư lệnh TP HCM) cho rằng, dịch bệnh còn diễn biến phức tạo, do vậy Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch và các bộ, ngành cần chủ động dự báo và có kịch bản phòng chống dịch hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 128 (thích ứng an toàn với Covid-19), tránh để dịch bùng phát, gây mất mát lớn về kinh tế, xã hội và tính mạng của người dân.
Theo ông, trong thời gian giúp TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch, hơn 4.000 quân nhân đã bị nhiễm Covid-19. Dù vậy, cán bộ, chiến sĩ vẫn giữ bản lĩnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. "Có quân nhân nhiễm Covid-19, khi được điều trị khỏi tình nguyện ở lại phục vụ người bệnh. Nhiều chiến sĩ có người thân qua đời đã nén đau thương bám trụ đơn vị chống dịch", ông nói.
Ông Xứng cho hay thời gian qua, quân đội đã điều động hơn 133.000 quân hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch (bộ đội hơn 33.000, dân quân hơn 99.000); riêng lực lượng quân y tăng cường khoảng 9.800, triển khai 13 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 với 6.600 giường bệnh, thành lập 660 tổ quân y cơ động, 510 tổ vaccine, hơn 1.100 tổ lấy mẫu xét nghiệm...
Ngoài ra, toàn quân huy động hơn 6.200 chuyến xe tải, 3 chuyến tàu thủy, 156 chuyến máy bay; vận chuyển gần 25.500 tấn hàng hóa; thu hoạch nông sản giúp nông dân và vận chuyển trên 15.000 túi an sinh đến từng hộ gia đình.
Quân đội cũng tổ chức khâm liệm, hỏa táng người tử vong vì Covid-19, bàn giao tro cốt cho gia đình có người thân bị mất. Hiện cơ quan quân sự các địa phương đang phối hợp với ngành chức năng bàn giao kỷ vật người tử vong cho gia đình.
Từ kinh nghiệm tham gia chống dịch tại nhiều địa phương, đồng thời tham khảo thực tế ở châu Âu, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) nêu 5 đề xuất về phòng chống Covid-19.
Thứ nhất, các cơ quan cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ nhóm dân số nguy cao nếu bị Covid-19 tấn công, như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai.... Đồng thời, phải có biện pháp bảo vệ các cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch. Ngành y tế cần sớm tiêm đủ mũi một cho tất cả dân số bởi khi tiêm mũi một cũng đã giảm tỷ lệ tử vong.
Thứ hai, ông đề nghị triển khai ứng dụng trong việc phát hiện, theo dõi, điều trị Covid-19 trên toàn quốc, không để xảy ra tình trạng cục bộ, "đầu voi đuôi chuột" như vừa qua. Theo ông Hiếu, rào cản lớn nhất là các cơ quan nhà nước chưa thống nhất về quy định, quy trình, chưa tường minh dẫn đến hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin còn khiêm tốn so với tiềm năng của lĩnh vực này. Các ứng dụng cần xây dựng trên tiêu chí đơn giản và rộng mở.
"Đơn giản là mọi người dân đều có thể sử dụng được, thời gian ngắn nhất; rộng mở là có thể tích hợp với tất cả các phần mềm sẽ triển khai trong tương lai", ông Hiếu nêu ý kiến.
Thứ ba, ông Hiếu đề nghị mở cửa từ từ, theo khuyến cáo y khoa chứ không mở cửa cảm tính. Hiện nay, Việt Nam đã không còn theo đuổi "zero Covid", vì vậy, không cần cách ly đại trà diện rộng với F1, F2, F3; nếu F1 đã âm tính thì không còn F2, F3.
"Chúng ta không sợ Covid-19, nhưng cũng không chủ quan để dịch bùng phát diện rộng. Tôi tin Bộ Y tế đã chuẩn bị các nguyên tắc cụ thể, chỉ cần địa phương lắng nghe, tin tưởng thực hiện. Thủ tướng cũng từng khẳng định không dùng chiến thuật zero Covid nữa mà mở cửa an toàn", PGS Nguyễn Lân Hiếu phát biểu.
Thứ tư, ngành y tế cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất ở cấp huyện, xã phường; đưa mục tiêu y tế vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Thứ năm, ông mong muốn chế độ chính sách, những bất cập của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra sau đại dịch. "Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, nhưng lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra mà sao thay đổi khó vô cùng", ông Hiếu nói.
Theo ông, một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc vị giám đốc ấy đã nắm vững về quản lý hoặc các quy định lắt léo hiện hành nên "rất cần các cơ chế rõ ràng để được mua sắm trang thiết bị, thuốc men, mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn".
Ông nêu dẫn chứng, khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Covid tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đồng thời đã bổ nhiệm một người khác phụ trách mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. "Với mô hình mới đó, bệnh viện đã hoạt động trơn chu, hiệu quả cho dù được thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách. Đây là ví dụ cho thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn nhận hậu quả lớn hơn", ông nói.
"Tôi tin chắc với những gì cán bộ y tế chúng tôi đã thực hiện trong thời gian qua, nếu được bảo đảm thu nhập để yên tâm công tác thì chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất cứ ngành y nào ở trong khu vực", đại biểu Nguyên Lân Hiếu bày tỏ.
Quốc hội tiếp tục thảo luận kinh tế - xã hội từ 14h chiều nay (9/11).
Minh Sơn - Hoàng Thùy - Viết Tuân
Xem diễn biến chính