Trong chuyến thăm VN tháng 11/2001, ông Mike Moore (lúc đó là tổng giám đốc WTO) thúc giục VN nên nhanh chóng gia nhập tổ chức này. |
Tròn một thập kỷ kể từ ngày nộp đơn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến nay, VN đã tiến hành 11 phiên họp với Ban Công tác WTO (10 phiên chính thức, 1 trù bị) và kết thúc đàm phán song phương với 22 đối tác. Sau các vòng thương thuyết song phương, mức thuế chung trong lĩnh vực nông nghiệp được thoả thuận giảm xuống 18-20%, với lộ trình cắt giảm từ 3 đến 5 năm. VN còn đề xuất cắt giảm thuế quan xuống mức 18% đối với 10/11 lĩnh vực và 95/155 phân ngành dịch vụ. Ngoài ra, danh mục các mặt hàng chịu hạn ngạch thuế quan được cam kết cắt giảm tối đa, chỉ còn lại 3 mặt hàng muối, đường và lá thuốc lá. Theo yêu cầu mới của vòng đàm phán vòng Doha, VN cũng đã cam kết bỏ trợ cấp xuất khẩu khi gia nhập WTO.
Kể từ phiên đa phương thứ 10 ở Geneva vừa qua, VN cùng các đối tác bắt đầu rà soát chi tiết dự thảo thứ nhất Báo cáo về gia nhập WTO của VN, một phần quan trọng trong tiến trình hội nhập sân chơi thương mại toàn cầu. Song song với quá trình đàm phán, Quốc hội VN cũng đã làm việc tích cực để thông qua nhiều đạo luật trong kỳ họp thứ 7 và quyết tâm ngay năm nay sẽ thông qua hết những luật quan trọng có liên quan tới hiệp định, cam kết của VN trong WTO.
Trên đường đua tới WTO, ba cái tên Nga, Ảrập Xêút và Việt Nam thường được nhắc tới. Vì những nỗ lực kể trên mà theo ông Shishir Priyadarshi (Ban Thư ký WTO), trong 6 tháng gần đây, người ta hay nói tới khả năng tích cực của VN chứ không phải Nga. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress trong lần thăm Hà Nội hồi đầu tháng 10, ông Shishir cho rằng đàm phán của VN với 6 đối tác còn lại, trong đó có Mỹ, không đơn giản và để thu hẹp khoảng cách với họ trong thời gian ngắn ngủi cuối cùng của năm nay là rất khó khăn. Quyền thương mại, trợ cấp, hạn chế nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, doanh nghiệp nhà nước... là những vấn đề mà 6 đối tác này rất quan tâm và VN cũng khó có thể đáp ứng hết.
Theo thông lệ, để có thể gia nhập ngay tại Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Hong Kong vào ngày 13/12 năm nay, VN phải hoàn tất mọi thủ tục trong thời gian 8 tuần trước khi diễn ra sự kiện này. Cho tới lúc này, Mỹ vẫn chưa bày tỏ ý định gì về lần gặp nhau tiếp theo, trong khi các đối tác khác đã “cạn bớt” thiện chí và bình thản chờ đợi ngày Mỹ kết thúc ván cờ.
Kết quả trưng cầu ý kiến độc giả VnExpress | ||||||||||||||||||
|
Tình thế hiện nay buộc người đứng đầu ngành thương mại, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, thừa nhận mục tiêu gia nhập WTO trong năm nay rất mong manh. Trưởng đoàn đàm phán gia nhập WTO của VN, Thứ trưởng Thương mại Lương Văn Tự mới đây tuyên bố chậm nhất vào đầu 2006 mới kết thúc các phiên đàm phán song phương.
Ảrập Xêút đã được phê chuẩn kết nạp chính thức. Trong khi đó, vị thế của Nga trong WTO chưa rõ ràng. Với VN, cơ hội tham dự Hội nghị Hong Kong với tư cách thành viên đầy đủ đã vụt qua. VN chưa thể chủ động tham gia và có tiếng nói trong vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu. Hàng xuất khẩu của VN chưa được hưởng chế độ bình đẳng với các thành viên WTO, đặc biệt là dệt may sẽ tiếp tục nằm trong chế độ hạn ngạch chừng nào VN chưa đặt chân vào tổ chức này. Song dường như VN không quá thất vọng và nuối tiếc. Phát biểu trước công luận trong và ngoài nước những ngày gần đây, các quan chức Chính phủ đều tuyên bố VN đã cố gắng hết sức, việc gia nhập muộn hay sớm còn phụ thuộc vào thiện chí của các đối tác, VN không vào WTO bằng mọi giá và thời điểm gia nhập không phải là sức ép quá lớn đối với tiến trình đàm phán.
Ông Võ Trí Thành, Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Hội nhập kinh tế Quốc tế (Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương), cho rằng vào thời điểm này, việc gia nhập WTO cuối năm nay hay không không còn là điều quan trọng, nhất là khi VN nhìn nhận việc gia nhập là sức ép quý để cải cách thể chế, minh bạch hoá chính sách. Ông Hà Huy Tuấn, Phó trưởng đoàn đàm phán Chính phủ, cùng quan điểm này khi cho rằng gia nhập WTO không phải là mục tiêu mà là bước đi quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế.
Đến nay, vẫn chưa có tín hiệu tốt lành cho vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu trong khuôn khổ WTO. Các nước lớn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề cắt giảm trợ cấp nông nghiệp và giảm thuế nhập khẩu nông sản. Diễn biến này đe doạ sẽ đẩy vòng đàm phán Doha tiếp tục rơi vào bế tắc và WTO không thể đạt được một thoả thuận về tự do thương mại ngay tại Hội nghị Bộ trưởng Hong Kong. Xét ở một khía cạnh nào đó, diễn biến này thuận cho tiến trình đàm phán gia nhập của VN và VN không phải quá vội vàng để vào sân chơi chung trước khi WTO đạt được thoả thuận mới.
Công việc quan trọng đặt ra với VN lúc này là một mặt kêu gọi thiện chí của các đối tác, mặt khác phải cân nhắc về khả năng cạnh tranh và sức chịu đựng của nền kinh tế khi hội nhập. "Thách thức lớn nhất khi VN gia nhập WTO chính là sức cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp sẽ là khu vực đối đầu nhiều nhất với những thách thức này, tiếp đó là các cơ quan Chính phủ đang đứng ra đàm phán và thực hiện cam kết sau này", ông Hà Huy Tuấn khuyến cáo. Theo ông, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp vừa phải thực hiện chương trình cải cách, cổ phần hoá, vừa thực hiện các cam kết của WTO và đây chính là hai khoản chi phí sẽ phải trả cho quá trình gia nhập. Còn trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, thách thức đặt ra cho cả công tác ban hành luật pháp cũng như hoạch định chính sách. Trong WTO có 16 hiệp định, VN sẽ phải ban hành luật pháp kịp thời theo đúng cam kết.
"WTO không thể mang lại sự công bằng cho tất cả mọi thành viên, nhưng nó giúp giảm thiểu sự bất bình đẳng, tạo cơ hội cho các nước nhỏ nói lên tiếng nói của chính mình. Gia nhập WTO là cần thiết để hiện đại hoá kinh tế và tham gia đầy đủ hơn trong nền kinh tế toàn cầu, nhưng đây chỉ là bước đầu tiên để giúp VN nhận thức được tiềm năng kinh tế của mình", ông Shishir Priyadarshi nói.
Trong lần thăm VN gần đây nhất, giáo sư kinh tế học người Mỹ, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2001 Joseph Stiglitz cũng chia sẻ quan điểm này khi cho rằng gia nhập WTO chỉ là sự bắt đầu chứ không phải hoàn tất quá trình hội nhập.
Song Linh