Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đây là lần đầu tiên cơ chế thí điểm cấp quận, huyện được xây dựng.
Trước TP Buôn Ma Thuột, 9 tỉnh, thành phố lớn đã áp dụng thí điểm đặc thù, gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hoà.
Theo tờ trình Chính phủ, nhiều ưu đãi về thuế được đưa ra với các dự án đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột. Cụ thể, dự án đầu tư sản xuất, chế biến nông sản, du lịch văn hoá, năng lượng tái tạo, đầu tư trung tâm logistics... sẽ được giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp (10%) trong 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm.
Riêng dự án đầu tư sản xuất, chế biến cà phê, ngoài ưu đãi thuế như các lĩnh vực khác, thời gian giảm một nửa thuế thu nhập doanh nghiệp được tăng lên gấp đôi, tức 30 năm. Ngoài ra, số dự án này cũng được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi... tối đa 25% khi xác định thu nhập chịu thuế.
Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, những ưu đãi thuế cho dự án đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột đưa ra chưa hợp lý khi thời gian miễn, giảm thuế quá dài. Ông cho rằng, việc này có thể dẫn tới thiếu công bằng với dự án đầu tư tại các huyện khác của tỉnh Đăk Lăk hoặc tỉnh khác trong vùng Tây Nguyên.
"Nếu không kiểm soát chặt chẽ, các ưu đãi này có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về thu hút nguồn lực đầu tư giữa các địa bàn khu vực Tây Nguyên và tạo kẽ hở cho chuyển giá nội địa ở một số doanh nghiệp", ông nêu.
Ngoài ra, vị đại biểu Lâm Đồng cũng đặt vấn đề, việc giảm thuế như vậy có phù hợp với mức thuế tối thiểu toàn cầu và khu vực, nhằm tránh trường hợp bán phá giá sản phẩm so với quy định.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) đề nghị cân nhắc lĩnh vực đầu tư đã thu hút rất tốt với các cơ chế ưu đãi hiện có, đã đủ hoặc vượt quá chỉ tiêu quy hoạch, nếu thu hút thêm sẽ gây ra mất cân đối hoặc gây bất bình đẳng với các tỉnh trong khu vực có cùng điều kiện.
Bà Thuỷ nêu thực tế trong sản xuất và chế biến cà phê, hiện không riêng Đắk Lắk mà các tỉnh Tây Nguyên đều có thương hiệu cà phê riêng. Với chính sách ưu đãi cao sẽ thu hút các dự án chế biến cà phê về Buôn Ma Thuột, có thể gây thiệt hại cho nông dân trồng cà phê các tỉnh trong khu vực.
"Cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực ưu đãi đầu tư. Nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, quy mô vốn và cái mới, khác biệt của sản phẩm", nữ đại biểu tỉnh Bến Tre lưu ý.
Đồng tình, đại biểu Dương Khắc Mai (Đăk Nông) cho rằng, chính sách ưu đãi đưa ra cho TP Buôn Ma Thuột chưa tương xứng với tính chất đặc thù, bởi đã có những chính sách, dự án triển khai trước đó như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê thuật, Bệnh viện Đa khoa, Đại học Tây Nguyên... Ông nói, cần có chính sách mới, mang tính đặc thù hơn, chẳng hạn liên quan đầu tư công, đất đai... nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Buôn Ma Thuột.
"Cần tập trung ưu đãi cho lĩnh vực chế biến sâu các sản phẩm từ cà phê, để vừa tăng giá trị gia tăng của ngành, vừa đảm bảo thị trường tiêu thụ hạt cà phê, không chỉ cho thành phố Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đăk Lăk và vùng Tây Nguyên", ông Mai góp ý.
Trong điều kiện nguồn lực có hạn, các đại biểu góp ý, Chính phủ cần có chính sách tạo sự lan tỏa, thu hút đầu tư nước ngoài, liên kết chuỗi các vùng sản xuất trong và ngoài nước để đầu tư tại TP Buôn Ma Thuột, từ đó tạo thành chuỗi liên kết cả vùng Tây Nguyên, cả nước.
Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nêu quan điểm, ngoài các cơ chế ưu tiên về tài chính, ngân sách, cũng cần cơ chế đột phá cải cách hành chính, dịch vụ công.
"Nếu có các cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách nhưng không đồng hành cùng cải cách hành chính công, dịch vụ công, yếu tố con người để tạo điều kiện cho các nguồn lực được khơi dậy mạnh mẽ thì sẽ không thể mang lại nhiều kết quả thiết thực", ông Bình nhận xét.
Trước những băn khoăn của các đại biểu, giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo đã lựa chọn một số chính sách mang tính đặc thù và tương đồng với các chính sách đã áp dụng ở 9 địa phương trước đây. Với TP Buôn Mê Thuột, các cơ chế đặc thù đảm bảo được hai nguyên tắc là tính tương đồng, tương quan và áp dụng trên một địa giới hành chính cấp huyện.
"Chúng tôi cũng lựa chọn ra một số cơ chế đặc thù trong 2 lĩnh vực nông sản và cà phê, để Buôn Ma Thuột trở thành một thành phố cà phê, thủ phủ cà phê, một thương hiệu quốc gia", ông nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các cơ chế đặc thù này đẻ "đảm bảo chính sách vào cuộc sống".
Theo chương trình, Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho TP Buôn Ma Thuột sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp.