Ngày 5/6, Tổng cục trưởng Thuế yêu cầu Cục thuế các địa phương rà soát, kiểm tra toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trên sàn giao dịch.
Các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ quảng cáo, cung cấp phần mềm cũng nằm trong diện rà soát lần này.
Cùng đó, lãnh đạo ngành thuế lưu ý với nhóm kiểm tra là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ.
Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng phổ biến. Theo dự báo của công ty tư vấn McKinsey & Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.
Thực tế, hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và được thuê livestream. Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 4/6, đại biểu đề cập thời gian qua mạng xã hội xôn xao những phiên livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. Không trả lời thẳng nội dung này nhưng Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận thương mại điện tử là lĩnh vực "khó quản". Bộ trưởng nói giải pháp sẽ đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành và các địa phương, đưa ra cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử.
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là một nguồn thu nhập chịu thuế. Do đó, cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải kê khai nộp loại thuế này.
Tổng cục Thuế cho biết, một số cá nhân có thu nhập hàng chục tỷ đồng từ hoạt động livestream bán hàng tự giác đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế. Có cá nhân đã nộp thuế vào ngân sách hàng tỷ đồng, theo cơ quan thuế.
Không chỉ livestream, thương mại điện tử nói chung thời gian qua phát triển nhanh tạo áp lực với ngành thuế trong quản lý nguồn thu từ lĩnh vực này. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Tài chính nhiều lần yêu cầu ngành thuế siết quản lý, chống thất thu với hoạt động thương mại điện tử.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế, trong đó bổ sung quy định cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trên nền tảng số sẽ phải đăng ký trực tiếp với cơ quan thuế.
Những cá nhân này sẽ áp dụng chung quy định như trường hợp hộ gia đình, cá nhân có sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ nhưng không thuộc trường hợp phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Chính phủ về hộ kinh doanh. Dự thảo này cũng giữ quy định đăng ký thuế với nhà cung cấp ở nước ngoài, gồm tổ chức, cá nhân không có cơ sở, thường trú nhưng kinh doanh thương mại điện tử, dựa trên nền tảng số ở Việt Nam.
Đăng ký thuế là hoạt động mà người nộp thuế kê khai với cơ quan thuế các thông tin định danh - thông tin cơ bản để phân biệt với những người nộp thuế khác. Với cá nhân, thông tin định danh thường bao gồm: họ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ. Người nộp thuế sau khi thực hiện các thủ tục đăng ký, cơ quan thuế sẽ cấp cho một mã số thuế.
Trước đó, tại báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn kỳ họp thứ 7, Bộ Công Thương dự kiến bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.
Giới chuyên môn cho rằng những quy định này giúp định danh cụ thể người bán, ngăn ngừa rủi ro cho khách hàng, nhưng cũng không làm khó doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh chân chính. Song, quá trình xác định danh tính cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn truyền thông, công an.
Năm ngoái, thương mại điện tử ở Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, xếp vào nhóm 5 quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Năm 2023, doanh thu quản lý thuế qua kênh thương mại điện tử là 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 146 tỷ USD), với số thuế đã nộp 97.000 tỷ, tăng 14% so với một năm trước đó. Ngành thuế cũng rà soát hơn 31.000 đối tượng, xử lý vi phạm hơn 22.000 trường hợp, số thuế tăng thêm trong lĩnh vực này gần 3.000 tỷ đồng.
Phương Dung