Chương trình được ca sĩ ấp ủ từ hai năm trước, nhiều lần hoãn vì dịch. Trong gần ba tiếng, cô ru khán giả về miền âm nhạc đậm chất dân gian qua các ca khúc gắn với biển hồ, non nước như Tình đất (Tuấn Phương), Hồ trên núi (Phó Đức Phương), Khúc hát sông quê (Lê Huy Mậu phổ thơ Nguyễn Trọng Tạo). Với Người Hà Tĩnh có thương (Lan Dung, Lưu Hà An), Thương lắm miền Trung (Hoài Duy), cô gợi nhắc nỗi đau chiến tranh qua giọng hát khắc khoải.
Tiết mục tạo điểm nhấn trong phần mở màn chương trình là Tình ca (Phạm Duy). Hát cùng Dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Anh Thơ truyền tải niềm tự hào dân tộc qua giai điệu hào hùng. Mỗi lần ca sĩ cất giọng lên những nốt cao, hơn 1.000 khán giả trong khán phòng đồng loạt vỗ tay hưởng ứng.
Ở phần sau, Anh Thơ bùng nổ trong các ca khúc mang âm hưởng Tây Bắc như Chiếc khăn piêu (Doãn Nho), Người vùng cao là thế (Văn Hạnh). Cô tung tẩy nhảy múa, hát về tập tục dắt ngựa đi chợ, uống rượu của người vùng cao. Nữ ca sĩ kết hợp ăn ý với Tấn Minh - khách mời của chương trình - qua hai nhạc phẩm của Trần Tiến: Sao em nỡ vội lấy chồng, Tùy hứng lý qua cầu. Mỗi lần ca sĩ ngân nga theo điệu lý, khán giả vỗ tay nhiệt liệt.
MC, biên tập viên âm nhạc Nguyễn Hữu Chiến Thắng nhận xét: "Anh Thơ đã vẽ hình dáng núi sông bằng tiếng hát trong vắt, thánh thiện. Khi hát về mỗi vùng, miền, cô không đứng ngoài cuộc mà hát với tâm thế là người con của xứ sở ấy. Đó là lý do tiếng hát Anh Thơ đi vào lòng khán giả".
Liveshow còn cho thấy những khía cạnh khác của Anh Thơ, người vốn nổi tiếng với các ca khúc dân gian, cách mạng. Cô thể hiện nét lí lắc, hồn nhiên với ca khúc mới của Nguyễn Vĩnh Tiến - Hãy ngồi pha một ấm trà. Cuối chương trình, cô hát về những trăn trở đàn bà qua loạt nhạc phẩm trữ tình của Phú Quang (Khúc mùa thu), Đức Tiến (Người đàn bà đi nhặt mặt trời), Phạm Duy (Mùa thu cho em), Văn Cao (Thiên thai). Cách hát nhẹ nhàng, không quá day dứt, mang tâm thế của người phụ nữ trung niên đã đi qua nhiều thăng trầm, bình thản trước cuộc đời.
Khán giả Bùi Huệ (công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam) nói: "Tôi xúc động khi chứng kiến Anh Thơ tỏa sáng trong ba tiếng diễn ra chương trình. Ca sĩ có giọng hát nội lực, sự tự tin của một phụ nữ hạnh phúc. Tinh thần đó đã được truyền tải đến hơn 1.000 khán giả".
Anh Thơ ít nói chuyện, giao lưu, chủ yếu tâm tình bằng âm nhạc. Quên lời bài Nàng thơ xứ Huế (Hồ Hoài Anh), ca sĩ xin khán giả thông cảm vì mắc chứng đãng trí hậu Covid-19, khiến nhiều người bật cười. Ca sĩ ôn lại kỷ niệm thời mới ra Hà Nội học nhạc viện, được cô giáo Hồ Mộ La động viên, thậm chí mắng mỏ. Mỗi khi thấy học trò than khổ vì học hát cổ điển khó quá, bà Mộ La mắng: "Không hát thì về quê mà cuốc đất". Trên sân khấu, cô gửi lời tri ân mẹ, người luôn dõi theo, ủng hộ chặng đường nghệ thuật của ca sĩ. Từ nhỏ, mẹ dạy Anh Thơ tự lập, làm quen việc đồng áng. 10 tuổi, cô đã tập buôn bán ngoài chợ.
Các bài hát của chương trình được nhạc sĩ Thanh Phương phối mới, mang âm hưởng hiện đại, tiết tấu đa số nhanh và mạnh hơn nhưng vẫn không làm mất đi nét trữ tình. Nhạc sĩ tận dụng một số nhạc cụ dân gian như đàn bầu, sáo trúc kết hợp ăn ý với dàn nhạc hiện đại. Chương trình còn ghi điểm nhờ âm thanh, ánh sáng, biên đạo múa, phục trang đẹp, hài hòa. Trong bài Hồ trên núi, êkíp sử dụng đạo cụ thuyền, mái chèo. Các nghệ sĩ múa trên không gian bảng lảng sương khói, tạo hiệu ứng thị giác đẹp mắt.
Hà Thu