"Chúng tôi đang chuẩn bị ra quyết định đóng cửa hai cửa khẩu", Thứ trưởng Nội vụ Litva Arnoldas Abramavicius nói ngày 4/8, nhắc đến cửa khẩu Sumsko và Tvereciau ở biên giới với Belarus. Quyết định dự kiến được thông qua tuần sau.
Belarus đang tiếp nhận các tay súng của công ty quân sự tư nhân Wagner sau cuộc nổi loạn của lực lượng này ở Nga cuối tháng 6. Bộ Quốc phòng Belarus và Wagner đã lên kế hoạch hợp tác trong tương lai gần. Tổng thống Belarus cũng đã đề nghị Wagner hỗ trợ bảo vệ nước này "ngay khi có yêu cầu".
Tổng thống Litva Gitanas Nausea trước đó cho rằng hơn 4.000 thành viên Wagner có thể đang ở Belarus. Đây được cho là những tay súng có nhiều kinh nghiệm thực chiến, từng đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch tấn công thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine.
Theo ông Abramavicius, quyết định đóng hai cửa khẩu được đưa ra vì Litva cần "sẵn sàng đóng cửa hoàn toàn biên giới bất cứ lúc nào".
Litva và Ba Lan đang cân nhắc cùng đóng cửa hoàn toàn biên giới với Belarus, do lo ngại lính Wagner có thể cải trang thành người xin tị nạn để vượt biên hoặc thực hiện hành động khiêu khích.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Nausea ngày 3/8 ở thành phố Suwalki, miền đông Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho hay lính Wagner đã áp sát Hành lang Suwalki, dải đất chiến lược của Ba Lan nằm giữa Belarus và vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga.
Các chiến lược gia quân sự phương Tây ví Hành lang Suwalki như "yết hầu NATO", bởi nếu nó bị kiểm soát, ba quốc gia Baltic thuộc NATO là Litva, Latvia và Estonia sẽ bị chia cắt hoàn toàn khỏi phần còn lại của khối.
Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Pawel Jablonski ngày 4/8 nói "mối đe dọa này rất thực tế", cáo buộc lính Wagner đã tìm cách xâm nhập lãnh thổ.
"Chúng tôi đang triển khai thêm binh sĩ đến khu vực để đảm bảo tình hình", ông Jablonski trả lời CNN, nhưng không nêu cụ thể. Jablonski cho biết Ba Lan cũng đang cân nhắc các bước nhằm bảo vệ công dân, lãnh thổ, trong đó có "đóng toàn bộ biên giới với Belarus".
Ba Lan và Litva đều đã thiết lập thêm hàng rào ở biên giới với Belarus do lo ngại xảy ra khủng hoảng di cư như năm 2021. Khi đó, Liên minh châu Âu cáo buộc Belarus tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người từ Trung Đông, châu Á và châu Phi vượt biên vào Ba Lan để vào khối, nhằm trả đũa lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Minsk. Belarus bác bỏ cáo buộc.
Như Tâm (Theo AFP, CNN)