Munich là câu chuyện đáng chú ý nhất trong cuộc hành trình khai phá những miền đất mới của Linux kể từ khi thành phố này bắt đầu thử nghiệm phần mềm nguồn mở vào năm ngoái để so sánh với các sản phẩm của Microsoft. Giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer thậm chí đã phải đích thân sang tận Munich để bảo vệ hình ảnh công ty trước sự trỗi dậy của Linux.
Dự án mang tên LiMux (Linux cho Munich) cuối cùng đã được chính quyền thành phố phê chuẩn và điều này cũng đồng nghĩa với việc toàn bộ 13.000 máy tính và máy chủ của các cơ quan hành chính tại đây sẽ chuyển sang nền Linux vào năm 2008. Quá trình “di cư” này sẽ bắt đầu một phần ngay trong năm nay với việc chính thức sử dụng bộ công cụ văn phòng OpenOffice và trình duyệt Mozilla, chạy trên môi trường desktop của Windows NT.
Theo Tom Adelstein, một chuyên gia tư vấn về Linux và mã mở, quyết định của Munich đồng nghĩa với một sự thất bại của cỗ máy tuyên truyền của Microsoft chứ không phải là sự thắng hay thua về chất lượng của hai hệ điều hành đối thủ. Đây là một cuộc cạnh tranh có tính chính trị hơn là sự so tài về kỹ thuật.
Bergen, thành phố lớn thứ 2 của Na Uy, cũng đã tuyên bố “dứt tình” với Microsoft trong một nỗ lực chuyển đổi 50.000 máy tính cá nhân. Quyết định này liên quan đến IBM, HP và Novell/SUSE và được tiến hành theo nhiều giai đoạn, theo đó sẽ thay thế toàn bộ máy chủ UNIX HP-UX và server ứng dụng Windows. Công việc được dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
“Bên cạnh những ích lợi về mặt công nghệ khi chuyển sang Linux, chúng tôi có được một mô hình hoạt động không còn bị bó buộc vào kiến trúc và giải pháp của một nhà cung cấp đơn lẻ”, Janicke Runshaug Foss, người phụ trách công nghệ của Bergen, tuyên bố. “Với việc chuyển sang Linux, thành phố của chúng tôi sẽ thiết lập được một mô hình công nghệ thông tin mở và dân chủ. Hội đồng thành phố tin rằng điều đó sẽ đảm bảo một mức độ tự do chọn lựa cao hơn, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn, làm lợi cho tất cả công dân”.
Theo Stacy Quandt, nhà phân tích của hãng Quandt Analytics, quyết định của các thành phố trên là “những thắng lợi to lớn của mã mở” bởi vì nó đã khẳng định điều ngược lại với nhiều dự đoán cho rằng các khách hàng ở đô thị sẽ không chuyển môi trường desktop của họ sang Linux, đồng thời chứng minh rằng vị thế độc tôn của Microsoft về hệ điều hành máy để bàn đang lung lay. “Chính phủ nhiều nước trên thế giới đang đưa ra những chính sách có ảnh hưởng to lớn đến việc sử dụng phần mềm mã mở”, Stacy bình luận.
Thành phố Bangalore của Ấn Độ cũng đang tích cực bám sát xu hướng này sau khi IBM công bố việc thiết lập một Trung tâm Linux để hỗ trợ quá trình mở rộng sự chấp nhận phần mềm mã mở. Trung tâm này là một phần trong nỗ lực của Big Blue đem lại một cách tiếp cận dân chủ nhất trên toàn cầu đối với mã mở. Trung tâm cung cấp sự xác thực các sản phẩm và ứng dụng Linux, đồng thời tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển giải pháp.
IBM hiện còn có nhiều trung tâm tương tự ở Austin, Texas (Mỹ), Bắc Kinh (Trung Quốc), Boeblingen (Đức), Matxcơva (Nga) và Tokyo (Nhật). Địa chỉ ở Ấn Độ được họ mở ra sau khi công bố một dự án tương tự ở Brazil tuần trước, có mục đích tăng cường quá trình phổ dụng Linux ở nước Nam Mỹ này.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới gần đây đã nghiên cứu nghiêm túc và chính thức chấp nhận các công nghệ trên nền mã nguồn mở mặc dù kết quả ở mỗi vùng cũng có lúc khác nhau. Tháng 4 năm nay, thành phố Calgary, bang Alberta (Canada) cũng cho biết họ đang chuyển dần sang hạ tầng Linux, tuy nhiên, môi trường desktop thì vẫn tiếp tục dùng Microsoft Windows.
Phan Khương (theo InternetNews)