Theo Văn phòng Thương mại chính phủ (OGC), lý do dẫn đến sự chuyển hướng là giải pháp này tạo nên các khoản tiết kiệm lớn. John Oughton, Giám đốc điều hành của OGC, cho biết các chương trình thí điểm tại Anh cho thấy “Linux có thể hỗ trợ các cơ quan chính phủ bằng những giải pháp CNTT hiệu quả với chi phí thấp. Báo cáo này sẽ giúp các cơ quan hành chính công đưa ra những đánh giá có hiểu biết, tiết kiệm khi quyết định về các giải pháp thích hợp với nhu cầu của họ”.
Kết quả của các dự án cho thấy, việc sử dụng Linux có thể kéo dài tuổi thọ của thiết bị và giảm bớt số lượng máy chủ cần thiết để chạy các chương trình. Báo cáo của OGC nhận định, ngoài giúp cắt giảm chi phí, mã nguồn mở còn có tiềm năng đem lại các lợi ích về môi trường.
Mặc dù vậy, cuộc cạnh tranh giữa mã nguồn mở và Microsoft không phải thế trận một chiều vì hãng phần mềm Mỹ cũng đã và đang cắt giảm giá sản phẩm để giữ khách hàng, đồng thời cho phép tiếp cận nhiều hơn với mã lập trình. Nhận xét về báo cáo của OGC, phát ngôn viên của Microsoft cho biết, hãng hiểu rằng chính phủ Anh phải “thúc đẩy một sân chơi công bằng và tăng cường cạnh tranh”. Tuy nhiên, ông khẳng định nhiều phát hiện của OGC không hoàn toàn trùng khớp với phản hồi từ khách hàng của hãng, những người đã đánh giá, so sánh phần mềm của Microsoft với các sản phẩm mã nguồn mở.
Những chương trình mã mở miễn phí kiểu Linux ngày càng trở nên phổ biến khi nhiều công ty và quốc gia muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào các nhà sản xuất phần mềm. Nếu Linux được ứng dụng rộng rãi, chịu phần thiệt thòi lớn nhất sẽ là các hãng như Microsoft.
Microsoft hiện là nhà sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới và hệ điều hành Windows của họ có mặt trong 9/10 máy tính cá nhân. Hãng cũng có các sản phẩm dành cho máy chủ nhưng với thị phần hẹp hơn.
Trong khi các công ty như Microsoft kiếm tiền bằng cách cấp phép và thu phí sản phẩm, mã nguồn của Linux được cho không và rất sẵn có. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ ai cũng có thể chỉnh sửa nó hoặc phát triển các ứng dụng cho nó. Tuy nhiên, triển khai Linux cũng khá tốn kém với các chi phí phát sinh trong quá trình tùy biến và cài đặt phần mềm cũng như đào tạo nhân viên.
Với một số chính phủ và công ty, đặc biệt là tại các nước đang phát triển, mã nguồn mở đem lại cho họ sự linh hoạt cao hơn và chi phí thấp hơn. Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc đã thỏa thuận hợp tác cùng nhau phát triển một phiên bản châu Á của Linux. Trong vài tháng gần đây, chính phủ các nước Đức và Pháp cũng đã đưa vào sử dụng các máy tính chạy hệ điều hành mã nguồn mở. Thành phố Munich (Đức) quyết định chuyển 14.000 máy tính cá nhân sang sử dụng Linux, trong khi Paris (Pháp) cũng đang cân nhắc khả năng tương tự.
T.N. (theo BBC)