"Binh sĩ Tiểu vương quốc Hồi giáo không được phép mang vũ khí, phương tiện và mặc quân phục vào các công viên giải trí. Họ có nghĩa vụ tuân thủ tất cả quy định của công viên giải trí", Zabihullah Mujahid, phát ngôn viên Taliban, thông báo trên Twitter hôm nay.
Nhiều lính Taliban đã dành phần lớn cuộc đời tham gia cuộc chiến 20 năm với chính phủ do Mỹ hậu thuẫn. Sau khi tái kiểm soát đất nước, họ đổ xô đến công viên giải trí ở các thành phố Afghanistan. Mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh và video cho thấy binh sĩ cầm theo vũ khí chơi đu quay, xe đụng hoặc ôm súng đi đạp vịt ở công viên.
Địa điểm đặc biệt thu hút lính Taliban là một trong những công viên giải trí lớn nhất Kabul và công viên ven hồ chứa Qargha, ngoại ô phía tây Kabul. Họ cầm súng trường tự động, xếp hàng chờ chơi trò chơi.
Hầu hết các chiến binh mà Reuters trò chuyện khi đó chưa bao giờ đến Kabul, cho đến khi Taliban nắm quyền kiểm soát thủ đô ngày 15/8/2021. Một số người rất háo hức đến thăm công viên giải trí trước khi trở lại thực hiện nhiệm vụ.
Trong giai đoạn nắm quyền từ năm 1996 đến 2001, Taliban thực thi chính sách cứng rắn, nhưng lực lượng này hiện nỗ lực thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn với người dân và thế giới.
Afghanistan đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đất nước đứng bên bờ vực thảm họa nhân đạo khi thiếu viện trợ quốc tế và không thể tiếp cận các tài sản nước ngoài trị giá hàng tỷ USD do lệnh phong tỏa của phương Tây. Chưa quốc gia nào trên thế giới chính thức công nhận chính phủ Taliban tại Afghanistan.
Tình trạng thất nghiệp gia tăng, trong khi phần lớn công chức đang chịu nợ lương nhiều tháng. Liên Hợp Quốc cảnh báo khoảng 16 triệu dân tại Afghanistan có nguy cơ thiếu lương thực vì đói nghèo lan rộng cộng với mùa màng thất bát ở nhiều địa phương.
Huyền Lê (Theo Reuters)