Thượng sĩ Joseph Beyrle là một lính dù Mỹ chuyên về thông tin vô tuyến và phá hoại hạ tầng địch. Ông được giao nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ của quân đồng minh vào vùng Normandy, Pháp ngày 6/6/1944 (sự kiện còn được gọi là D-day, đánh dấu thắng lợi quyết định của phe Đồng minh để giải phóng Tây Âu khỏi phát xít Đức).
Theo We are the mighty, vào ngày đổ bộ, chiếc máy bay C-47 của Beyrle gặp phải hỏa lực mạnh mẽ từ đối phương, khiến Beyrle phải nhảy dù từ độ cao thấp, chỉ 120 m. Ông đã tiếp đất thành công nhưng mất liên lạc với đơn vị. Không nao núng, ông vẫn thực hiện các nhiệm vụ phá hoại hạ tầng địch để hỗ trợ cho cuộc đổ bộ Normandy.
Beyrle đã phá được một trạm điện trước khi bị quân phát xít bắt. Trong 7 tháng tiếp theo, ông bị luân chuyển từ nhà tù này sang nhà tù khác. Ông cố gắng trốn thoát hai lần nhưng đều bị bắt lại. Một lần, ông và những người trốn chạy cố gắng nhảy lên một tàu hỏa tới Ba Lan, nhưng cuối cùng con tàu lại hướng đến Berlin.
Beyrle bị đánh đập và suýt bị bắn chết khi bị giao cho lực lượng cảnh sát mật Gestapo của phát xít Đức. Quân đội Đức sau đó can thiệp và đưa ông về giam giữ, nhấn mạnh rằng Gestapo không có thẩm quyền xử lý tù binh chiến tranh.
Sau khi trở lại trại giam của quân đội Đức, Beyrle bị đưa tới Stalag III-C, một trại giam tù binh chiến tranh ở Brandenberg, Đức. Đây là trại giam khét tiếng vì rất nhiều tù binh Liên Xô bị bỏ đói hoặc sát hại tại đây.
Tháng 1/1946, Beyrle trốn khỏi Stalag III-C và di chuyển về phía đông, bắt liên lạc được với một lữ đoàn tăng Liên Xô. Ông thuyết phục họ rằng mình là một người Mỹ bằng cách giơ một bao thuốc lá hiệu Lucky Strike lên vẫy. Ông sau đó đề nghị chỉ huy đơn vị này, Aleksandra Samusenko, một nữ sĩ quan tăng thiết giáp, cho mình gia nhập.
Beyrle đã hoạt động một tháng trong lữ đoàn tăng Liên Xô, hỗ trợ cho chiến dịch giải phóng nhà tù Stalag III-C. Sau đó ông bị thương khi một máy bay của phát xít Đức bổ nhào ném bom, và được đưa tới một bệnh viện của Hồng quân Liên Xô ở Ba Lan.
Khi nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov hay tin có một binh sĩ không phải người Liên Xô ở trong viện, ông đã đến thăm Joseph Beyrle. Ngạc nhiên với câu chuyện của chàng lính Mỹ, ông Zhukov trao cho Beyrle mọi giấy tờ cần thiết để có thể trở lại với lực lượng Mỹ ở châu Âu.
Beyrle đến Moscow vào tháng 2/1945. Khi đặt chân đến đại sứ quán Mỹ, ông mới biết mình đã bị coi là liệt sĩ 4 ngày sau cuộc đổ bộ Normandy. Tại quê nhà ở thành phố Muskegon, bang Michigan, chính quyền và người dân còn tổ chức lễ tang long trọng cho ông.
Sau Thế chiến II, Beyrle được ca ngợi như một anh hùng tại cả Mỹ và Nga. Năm 1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Tổng thống Nga Boris Yeltsin tặng thưởng ông huy chương để ghi nhận những cống hiến của ông Beyrle cho hai quốc gia. Con trai ông sau đó thậm chí còn làm đại sứ Mỹ tại Nga năm 2008 - 2012.
Ông Beyrle năm 2004 qua đời ở tuổi 81, khi đang tới thăm khu vực Toccoa tại bang Georgia, nơi ông được huấn luyện để trở thành lính dù năm 1942.
Xem thêm: Lính không quân Mỹ thoát chết thần kỳ khi rơi từ độ cao 6.700 m
Phi công cụt hai chân bắn hạ 23 máy bay phát xít
Hoàng Nguyên