Robert "Bob" Beckwith qua đời hôm 3/1 trong nhà an dưỡng sau thời gian được điều trị ung thư, cháu trai của ông, Matthew, hôm 5/1 cho biết. Beckwith sinh năm 1932, là lính cứu hỏa thành phố New York từ năm 1965 cho đến khi nghỉ hưu năm 1994.
Sau khi hai máy bay của American Airlines và United Airlines bị nhóm không tặc điều khiển đâm vào tòa tháp phía bắc và phía nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York ngày 11/9/2001, Beckwith đội chiếc mũ bảo hộ bằng da, mặc đồng phục cứu hỏa cũ và gia nhập đội dọn dẹp ở hiện trường, gọi là Ground Zero.
Khi tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush lần đầu đến thăm hiện trường ngày 14/9/2001, Beckwith trao cho ông một chiếc loa cầm tay và đứng cạnh tổng thống trên đống đổ nát. Ông Bush sau đó đứng khoác vai Beckwith và phát biểu với lực lượng ứng phó khẩn cấp.
"Tôi có thể nghe thấy các bạn, thế giới nghe thấy các bạn, và những kẻ đã đánh sập những tòa nhà này cũng sẽ sớm nghe thấy tất cả chúng ta", ông Bush nói, và đám đông đáp lại bằng tiếng hô "Nước Mỹ! Nước Mỹ!".

Tổng thống Mỹ George W. Bush cầm loa phát biểu cạnh lính cứu hỏa Robert "Bob" Beckwith tại hiện trường vụ khủng bố ở New York ngày 11/9/2001. Ảnh: Nhà Trắng
Khi Beckwith về nhà vào cuối ngày hôm đó, ông đã trở thành người hùng của khu phố. Sau khi những bức ảnh chụp khoảnh khắc ông đứng cạnh tổng thống Bush xuất hiện trên trang nhất tờ The Daily News sáng hôm sau và trang bìa tạp chí Time hai tuần sau đó, Beckwith đã từ lính cứu hỏa sống cuộc đời hưu trí an nhàn trở thành biểu tượng cho khả năng phục hồi của thành phố New York và sự ngoan cường của nước Mỹ.
"Bức ảnh mang tính biểu tượng của Beckwith với tổng thống Bush đã ghi lại khoảnh khắc vừa truyền cảm hứng, vừa đau lòng", Laura Kavanaugh, ủy viên Sở Cứu hỏa Thành phố New York (FDNY) hiện nay, cho hay. "Beckwith là một trong nhiều thành viên FDNY đã nghỉ hưu nhưng vẫn tham gia nỗ lực cứu hộ trong những ngày tháng sau vụ 11/9, như minh chứng cho sự tận tâm đối với đại gia đình FDNY".
Do tuổi cao, ông Beckwith chỉ tham gia cứu hộ tình nguyện một ngày tại hiện trường. Tuy nhiên, thay vì trở lại cuộc sống hưu trí bình thường, ông trở thành phát ngôn viên của nhiều tổ chức từ thiện.
Cựu tổng thống Bush cho biết ông "tự hào khi đứng cạnh Bob tại Ground Zero" và "có đặc ân được giữ liên lạc với người đàn ông yêu nước này nhiều năm qua". Beckwith cũng từng đến Nhà Trắng thăm ông Bush.
"Lòng dũng cảm của ông ấy tượng trưng cho sự hiên ngang, kiên cường của người dân New York và người Mỹ sau ngày 11/9", ông Bush đăng trên Twitter ngày 6/1.

Tổng thống Mỹ George W. Bush và lính cứu hỏa Robert "Bob" Beckwith tại hiện trường vụ khủng bố ở New York ngày 11/9/2001. Ảnh: AFP
Ngoài các vụ tấn công ở New York, máy bay bị không tặc kiểm soát cũng lao vào Lầu Năm Góc và vùng nông thôn bang Pennsylvania. 2.977 người thiệt mạng và gần 6.300 người bị thương trong vụ khủng bố chấn động nước Mỹ và thế giới.
Đến năm 2021, quỹ bồi thường cho các nạn nhân vụ 11/9 ước tính người chết vì các bệnh liên quan, đặc biệt là ung thư ở những người cứu hộ tại Ground Zero, nhiều hơn số người thiệt mạng vào ngày xảy ra vụ tấn công.
Huyền Lê (Theo AFP, NY Times)