Một báo cáo năm 2016 của Lục quân Mỹ cho biết lính bắn tỉa Nga "thiện chiến hơn nhiều so với những gì mà lính bắn tỉa Mỹ đối phó trong 15 năm qua". Lầu Năm Góc thừa nhận "quân đội Nga vượt xa Mỹ" về hỏa lực chính xác ở cấp tiểu đội trong "cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường".
Trang thiết bị bắn tỉa là lĩnh vực đầu tiên quân đội Mỹ đối mặt thách thức ngày càng lớn từ Nga, biên tập viên Jared Keller của Task&Purpose nhận định.
Bộ binh Mỹ đang sở hữu các mẫu vũ khí chính xác gồm súng trường bắn tỉa M40, hệ thống bắn tỉa bán tự động (SASS) M110, Súng trường Bắn tỉa Tăng cường (ESR) M2010 và súng trường bắn tỉa M107 (Barrett M82A1). Những mẫu súng này trong nhiều năm vượt trội so với súng trường bắn tỉa Dragunov, với tầm bắn 700 m, được quân đội Liên Xô và Nga biên chế đại trà.
Tuy nhiên, quân đội Nga gần đây biên chế súng trường bắn tỉa SVCh Chukavin và Orsis T-5000 Tochnost, với tầm bắn lần lượt là 1,4 km và 1,6 km, nhằm thay thế mẫu Dragunov từ thời Liên Xô theo chương trình hiện đại hóa lực lượng.
"Người Nga đã đuổi kịp Mỹ về những vấn đề thiết yếu như công nghệ và đạn dược", theo Christian Wade, cựu xạ thủ bắn tỉa thuộc sư đoàn 2 thủy quân lục chiến Mỹ. "Người Nga mua công nghệ của chúng ta hay các nước châu Âu, hoặc đơn giản là sao chép chúng".
Lầu Năm Góc đang tìm cách đối phó về mặt công nghệ. Lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã được trang bị Súng trường Xạ thủ Cấp tiểu đội (SDMR) M110A1 và Súng bắn tỉa (DMR) M38 cùng Hệ thống Bắn tỉa Bán tự động Gọn nhẹ (CSASS) M110A1 và súng trường Mk.13 Mod 7 nhằm tăng tầm bắn và độ chính xác của lính bắn tỉa và lính thiện xạ trong tiểu đội.
Lục quân, thủy quân lục chiến và Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt Mỹ (SOCOM) đều đã lên kế hoạch biên chế súng trường bắn tỉa mang tên MRAD của Barrett. Lục quân Mỹ muốn dùng MRAD thay thế cả súng M107 lẫn M2010, còn thủy quân lục chiến muốn dùng nó để thay thế toàn bộ mẫu súng trường bắn phát một hiện có.
MRAD sử dụng đạn 7.62×51 mm NATO, .300 Norma Magnum và .338 Norma Magnum với tầm bắn trên 1,4 km, hãng sản xuất cho biết. "Đó là một trong những khẩu súng trường mạnh mẽ và hiện đại nhất", cựu lính bắn tỉa Wade nói.
Tuy nhiên, hệ thống mua sắm khí tài của quân đội Mỹ lại làm chậm tiến trình trang bị súng trường bắn tỉa mới thay cho mẫu cũ. Wade cho biết Súng trường Tự động Bộ binh (IAR) M27 được thử nghiệm tại Afghanistan gần 10 năm trước, song mới chỉ được biên chế đại trà gần đây.
"Lầu Năm Góc không thích nghi đủ nhanh với các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc", Wade nói. "Với cách thức hoạt động hiện nay của hệ thống mua sắm vũ khí liên bang, chúng ta không thể theo kịp một số quốc gia khác".
Bên cạnh tiến bộ về công nghệ vũ khí, lính bắn tỉa Nga còn có lợi thế về mặt học thuyết. Trong khi lính bắn tỉa Mỹ chỉ tham gia các khóa huấn luyện thường kỳ hoặc đảm nhận nhiệm vụ trinh sát, các quân nhân Nga được "thử lửa" trên chiến trường Syria trong những năm gần đây.
Báo cáo năm 2016 của Lục quân Mỹ thừa nhận các phương pháp đối phó với lính bắn tỉa địch từng được Mỹ áp dụng thành công trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và Iraq giờ đây "không hiệu quả với tính linh hoạt của xạ thủ Nga".
Trong khi Nga liên tục huấn luyện xạ thủ, lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ lại không coi trọng lực lượng bắn tỉa, xếp bắn tỉa vào nhóm kỹ năng phụ thay vì nhóm cần mài dũa vì giá trị cao của nó. Wade nói chỉ khoảng 30% vị trí trống trong lực lượng bắn tỉa của thủy quân lục chiến Mỹ được bổ sung quân số từ các khóa huấn luyện bắn tỉa trinh sát.
"Nếu bạn không biến ai đó thành lính bắn tỉa toàn thời gian, bạn sẽ không có đủ người chuyên nghiệp để đối phó với lính bắn tỉa Nga, dù công nghệ là tương đương", Wade nói. "Bắn tỉa là một loại hình nghệ thuật và khoa học, nhưng giờ chúng ta chẳng cho phép một binh sĩ thủy quân lục chiến nào trở thành lính bắn tỉa thực thụ".
Vũ khí và vật liệu tốt hơn dành cho lính bắn tỉa là chưa đủ để quân đội Mỹ đuổi kịp Nga trong lĩnh vực này, cựu thiếu tướng lục quân Robert Scales nhận định.
Scales cho rằng ưu thế của xạ thủ bắn tỉa thông thường của Mỹ "bị hạn chế nghiêm trọng" do "chức năng độc quyền" của vị trí này làm tiêu hao sức mạnh chiến đấu của các đơn vị nhỏ.
Định kiến lỗi thời về lực lượng bắn tỉa là vấn đề chính đối với quân đội Mỹ, Scales nhận định. "Các trường lục quân có xu hướng thích súng trường bắn tỉa bắn phát một. Tuy nhiên, súng bắn tỉa bán tự động không hề thua kém về độ chính xác", Scales nói.
Cựu sĩ quan này nhận định quân đội Mỹ cần mở rộng kỹ năng, kiến thức và công nghệ để thay vì chỉ có một xạ thủ bắn được mục tiêu trên 1.200 m trong mỗi đại đội, toàn bộ binh sĩ trong đơn vị đều có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 600-1.000 m.
"Kết hợp sức sát thương áp đảo này với khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách từ 1.000 m trở lên bằng cối hoặc tên lửa chống tăng dẫn đường, ta hoàn toàn đảo ngược lợi thế hỏa lực mà kẻ thù có thể có", Scales cho biết.
Biên tập viên Jared Keller cho rằng lính bắn tỉa Nga sẽ tiếp tục gây ra khó khăn cho đối thủ của họ. Bán đảo Crimea là một "môi trường huấn luyện độc đáo" không nơi nào có cho các xạ thủ Nga.
Tuy nhiên, lính bắn tỉa của lục quân và thủy quân lục chiến Mỹ có thể chứng tỏ mình là các xạ thủ đáng gờm trên chiến trường trong tương lai, bằng cách tăng tốc nâng cấp vũ khí trang bị và thay đổi quy trình huấn luyện.
"Tới khi đó, sẽ có thể nói lính bắn tỉa một nước có lợi thế hơn nước khác hay không", cựu xạ thủ bắn tỉa Wade nói. "Lợi thế của người Nga vào lúc này không dựa vào vũ khí hay đạn dược mà là nhân sự và huấn luyện, những yếu tố đáng ngại hơn".
Nguyễn Tiến (Theo Task&Purpose)