Năm 1939, lãnh đạo Liên Xô Stalin muốn đổi hai vùng Repola và Porajärvi ở biên giới phía tây lấy khu vực Vyborg của Phần Lan để làm vùng đệm bảo vệ an ninh cho Leningrad, do thành phố này khi đó chỉ cách biên giới 20 km.
Phần Lan, quốc gia có mối quan hệ mật thiết với đế quốc Đức trong Thế chiến I, không chấp nhận đề xuất này, khiến Chiến tranh Mùa đông giữa hai nước nổ ra vào tháng 11/1939.
Liên Xô kỳ vọng sẽ giành chiến thắng nhanh chóng, khi sở hữu sức mạnh quân sự vượt trội, với lực lượng khoảng 750.000 binh sĩ, gần 6.000 xe tăng và hơn 3.000 máy bay. Trong khi đó, Phần Lan chỉ có khoảng 300.000 lính, số lượng nhỏ xe tăng và hơn 100 máy bay, cũng không có nhiều đồng minh hỗ trợ.

Biên giới Phần Lan - Liên Xô tháng 10/1939. Stalin muốn đổi hai vùng Repola và Porajärvi lấy khu vực ở Vyborg để làm vùng đệm bảo vệ Leningrad. Đồ họa: Wikimedia Commons.
Tuy nhiên, Phần Lan có rất ít đường giao thông lớn và chỉ có một tuyến đường sắt, khiến hoạt động hậu cần và chiến lược tác chiến của quân đội Liên Xô bị hạn chế.
Quân đội Phần Lan cũng chuẩn bị phòng thủ kỹ lưỡng, chủ yếu dựa vào lợi thế của địa hình bán bình nguyên nhấp nhô, đồng thời bố trí các lô cốt, dây thép gai và vành đai phòng thủ dọc theo tuyến đường Liên Xô có khả năng hành quân. Một trong những thành viên quân đội Phần Lan tham gia cuộc chiến này là Simo Hayha.
Hayha hoàn thành nghĩa vụ quân sự từ năm 20 tuổi, sau đó trở về cuộc sống bình lặng với nghề nông, đi trượt tuyết và săn bắn. Người đàn ông có tính cách ôn hòa chỉ cao 1,52 m này gây chú ý trong cộng đồng nhỏ của mình nhờ khả năng thiện xạ.
Sau khi chiến tranh với Liên Xô nổ ra, với tư cách một cựu binh, Hayha được kêu gọi tái ngũ và tham gia đơn vị bắn tỉa Phần Lan. Ông thường mang bộ quần áo ngụy trang dày, hoàn toàn màu trắng, phù hợp để hoạt động trong khu vực tuyết trắng bao phủ.

Xạ thủ bắn tỉa Phần Lan Simo Hayha. Ảnh: Finnish Military Archives.
Hayha được trang bị một khẩu Sako M28-30, với độ chính xác đáng kinh ngạc trong phạm vi 2.000 m và có độ giật nhẹ. Ông thích dùng thước ngắm cơ khí hơn kính ngắm, bởi kính ngắm có thể phản chiếu ánh nắng làm lộ vị trí trước đối phương. Trong thời tiết lạnh, kính ngắm còn bị hơi nước che mờ. Thêm vào đó, Hayha cũng chưa được đào tạo cách sử dụng súng bắn tỉa gắn kính ngắm.
Hayha được cho là thích hoạt động một mình, thường lặng lẽ vào rừng tìm một vị trí có tầm nhìn tốt và nằm chờ lực lượng đối phương. Ông đắp những ụ tuyết dày để ẩn nấp và làm bệ tì cho súng. Một số tư liệu viết rằng ông còn ngậm tuyết trong miệng để tránh bị quân địch phát hiện dựa vào hơi thở bốc lên trong không khí do nhiệt độ thấp.
Với những chiến thuật này, Hayha đã hạ 500-542 binh sĩ Liên Xô, con số kỷ lục trong vòng khoảng 100 ngày đối với một xạ thủ bắn tỉa, ngay cả khi điều kiện ánh sáng hạn chế. Tay súng bắn tỉa khét tiếng này được binh sĩ Liên Xô gọi bằng biệt danh "Tử thần Trắng".
Hayha cũng ngày càng nổi tiếng trong quân đội Phần Lan và được ví như "bóng ma" di chuyển qua những lớp tuyết. Bộ Tư lệnh Tối cao Phần Lan đã tặng Hayha một khẩu súng bắn tỉa hoàn toàn mới, được chế tạo riêng cho ông.

Simo Hayha với khẩu súng bắn tỉa mới được thiết kế riêng do chính quyền Phần Lan tặng. Ảnh: Wikimedia Commons.
Tuy nhiên, ngày 6/3/1940, Hayha bị bắn trúng hàm, khiến ông gần như mất nửa khuôn mặt và hôn mê trong 11 ngày. Trong khi đó, Chiến tranh Mùa đông đang đi đến những ngày cuối cùng, khi tình thế ngày càng bất lợi cho quân Phần Lan.
Ngày 12/3/1940, chính phủ Phần Lan tuyên bố chấp thuận các điều kiện ban đầu của Liên Xô và đồng ý thi hành lệnh ngừng bắn. Hayha tỉnh lại vào ngày 13/3, ngày Hòa ước Moskva được ký kết, với phần thắng nghiêng về phía Liên Xô, dù quân đội nước này hứng chịu thiệt hại không nhỏ trong cuộc chiến 100 ngày.
Hayha mất vài năm để bình phục hoàn toàn và được thăng quân hàm từ hạ sĩ lên trung úy. Sau chiến tranh, ông trở về với nghề đi săn và sống những năm cuối đời tại Roukolahti, thị trấn nhỏ ở đông nam Phần Lan, gần biên giới Nga. Ông qua đời trong viện dưỡng lão năm 2002, thọ 96 tuổi, và được chôn cất ở Roukolahti.
Ánh Ngọc (Theo ATI, War History)