Chiến thắng trong cuộc bầu cử Hy Lạp của phe cánh tả có thể là chiến thắng bất ngờ của Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng cách làm trầm trọng thêm sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu về phản ứng đối với Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Nga và Hy Lạp có lịch sử quan hệ lâu dài về kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Cả hai hiện nay đều đang chứng tỏ là nỗi nhức đầu lớn đối với EU.
Chia rẽ EU
Theo Foreign Policy, phương Tây muốn gia tăng sức ép với Moscow. Ngoại trưởng các nước châu Âu hôm 29/1 thống nhất gia hạn lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản mà các nước này áp đặt với Nga cuối năm ngoái. Họ cũng sẽ liệt kê thêm những người có thể là mục tiêu của các lệnh trừng phạt trong cuộc gặp vào ngày 9/2. Tuy nhiên, hội đồng vẫn chưa quyết định đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn.
Chiến thắng bất ngờ ngày 25/1 của phe cánh tả Syriza ở Hy Lạp làm mở rộng rạn nứt trong nội bộ châu Âu về cách đối phó với Nga. Vị khách chính thức đầu tiên mà tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tiếp là đại sứ Nga. Hy Lạp hôm 27/1 từ chối đề xuất của Hội đồng châu Âu về việc xem xét "các biện pháp mạnh tay hơn" chống lại Nga. Hy Lạp vốn đã muốn "chống đối" các quy định tài chính do EU đặt ra, và nước này dường như còn đang cố gắng vạch ra một chính sách đối ngoại độc lập hơn.
Điều này càng làm Brussels đau đầu hơn. Trước cuộc tấn công của quân ly khai thân Nga vào Mariupol hôm 24/1, các nhà lãnh đạo châu Âu bị giằng xé giữa hai quan điểm về cách đối phó với Moscow. Giám đốc chính sách đối ngoại EU Federica Mogherin kêu gọi nới lỏng lệnh trừng phạt, trong khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho rằng phải siết chặt lệnh trừng phạt với lập luận "nhượng bộ càng dung túng những hành vi bạo lực".
Cuộc tấn công mới của phe ly khai mở cửa cho một vòng trừng phạt nữa của phương Tây, Robert Kahn, một nhà kinh tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định."Một khi họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt thì họ sẽ phải đối mặt với áp lực không thể tránh khỏi là phải đưa ra các biện pháp mạnh hơn, do tác động của những sự kiện mới diễn ra", ông nói.
Putin dường như trông cậy vào sự chia rẽ nội bộ và khó khăn kinh tế của châu Âu để giúp ông tránh khỏi những đòn tấn công mới từ EU. Pháp đang cân nhắc một chính sách ngoại giao độc lập với NATO. Tổng thống Hollande hồi đầu tháng nói rằng biện pháp trừng phạt áp đặt với Nga nên được dỡ bỏ. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, cũng có thể đang làm ấm mối quan hệ với Nga qua thỏa thuận về đường ống dẫn dầu mới qua Biển Đen.
"Các lệnh trừng phạt được đưa ra dựa trên sự đồng thuận của cả EU, và nếu Putin có thể "ly gián" một vài nước yếu khỏi khối này", ông sẽ khiến EU gặp khó khăn trong việc thể hiện khối là một mặt trận thống nhất và hiệu quả, Fiona Hill, một chuyên gia về Nga tại Viện Brookings, Mỹ nhận định. Hy Lạp có thể là mục tiêu của Nga.
Cánh cửa cho hợp tác Nga - Hy Lạp
Khi chúc mừng Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras về chiến thắng của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ông tin tưởng hai nước sẽ "làm việc cùng nhau một cách hiệu quả để giải quyết vấn đề hiện tại của châu Âu và toàn cầu".
Quan hệ thương mại giữa hai nước tương đối tốt. Theo IMF, gần 13% hàng hóa nhập khẩu của Hy Lạp năm 2013 đến từ Nga, Thị phần nhập khẩu từ Hy Lạp của Nga tuy ít hơn nhiều nhưng hai quốc gia đã đồng ý ấn định năm 2016 là "năm của Hy Lạp" ở Nga, và là "năm của Nga" ở Hy Lạp.
Syriza và liên minh cánh tả ở Hy Lạp vốn là bên ủng hộ Putin, vì vậy, Moscow và Athens có thể sẽ hợp tác sâu sắc hơn, Dimitris Papadimitriou, giáo sư chính trị tại Đại học Manchester nhận định.
Trong bối cảnh đó, Hy Lạp có thể tách biệt khỏi hàng ngũ EU trong việc trừng phạt Nga. Vì quyết định gia tăng biện pháp trừng phạt đòi hỏi sự nhất trí của các thành viên EU, tất cả điều ông Putin phải làm là thuyết phục Hy Lạp phản đối.
Khi các nhà lãnh đạo EU đầu tuần này cho biết họ có bằng chứng về việc Nga tăng cường hỗ trợ phe ly khai ở đông Ukraine, Hy Lạp giận dữ vì nước này không được trưng cầu ý kiến về tuyên bố này. "Hy Lạp bất bình vì Athens không được hỏi ý kiến, tiếng nói của nước chúng tôi bị coi nhẹ", một phát ngôn viên chính phủ Hy Lạp nói với CNN.
Đây có thể là cách Hy Lạp thể hiện lập trường đứng về phía Nga, tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng Athens có thể chỉ đơn giản là cố gắng khẳng định quyền lực của mình. Bày tỏ mối quan tâm về các lệnh trừng phạt rất khác với việc "nhảy vào vòng tay" của Moscow với hy vọng tìm được một chủ nợ thông cảm hơn.
The WSJ, Athens có công việc quan trọng cần làm với Brussels trong vài tháng tới, vì vậy, làm mất lòng các lãnh đạo EU có thể là quyết định không khôn ngoan của Hy Lạp. Tân Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Kotzias hôm 29/1 tuyên bố "tôi không phải là một con rối của Nga" trong một cuộc họp với các đối tác EU.
Ngoài ra, Hy Lạp có quyết định thế nào chăng nữa thì ông Putin cũng có lý do để ngần ngại về việc củng cố quan hệ với Athens khi Moscow còn phải đối phó với khủng hoảng kinh tế riêng của mình.
Bộ trưởng Tài chính Nga hôm 29/1 cho biết Moscow sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp. Tuy nhiên, cây bút Virginia Harrison của CNN nhận định nếu ông Putin dùng nguồn dự trữ tiền tệ mạnh đang cạn kiệt của Moscow để giúp Syriza đứng lên chống đối EU, Nga có thể sẽ phải trả giá mạnh mẽ. Khi các ngân hàng và công ty Nga đang trong tình trạng khó khăn, Moscow nên mặc kệ Hy Lạp tự đương đầu với trận chiến riêng của mình.
Trong khi đó, phương Tây phải đối đầu với thực tế rằng các lệnh trừng phạt không thay đổi được quyết tâm của ông Putin. Chuyên gia Fiona Hill của viện Brookings cho rằng những nhà hoạch định chính sách ở Washington và Brussels vẫn chưa đưa ra một cách tiếp cận rộng hơn.
"Phương Tây không có một chiến lược nào ngoài các biện pháp trừng phạt, và đó là vấn đề thực sự mà chúng ta đang phải đối mặt".
Phương Vũ