Bệnh nhân nam Vĩnh Phúc (71 tuổi, TP HCM), phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối và được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Nhờ đáp ứng thuốc tốt, bệnh nhân không chỉ sống khỏe trong hơn 3 năm và có thể tiếp tục công việc. BSCKII Nguyễn Tuấn Khôi - Trưởng khoa Nội Ung thư Phổi - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, nhận định đây là kết quả rất ít thấy trong điều trị ung thư.
Vào năm 2018, khi bắt đầu phát hiện ung thư phổi, ông Phúc cảm thấy mệt mỏi, khó thở nhiều, giọng đứt quãng và đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn 4 với khối u lớn ở phổi phải, đã di căn cả hai lá phổi. Khi được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, mỗi 3 tuần một lần, trong đợt điều trị đầu tiên, các triệu chứng của bệnh nhân lúc đầu như mệt mỏi, khó thở giảm khoảng 50%. Sau hơn 2 tháng, qua chụp CT Scan, bác sĩ Khôi nhận thấy kích thước khối u đã giảm đáng kể.
Các tế bào ung thư có khả năng trốn tránh sự phát hiện và kiểm soát của tế bào miễn dịch trong cơ thể. Vì thế, chúng không bị phát hiện và hệ miễn dịch không tiêu diệt được. Liệu pháp miễn dịch dùng thuốc kích hoạt tế bào bạch cầu "hàng rào của cơ thể" để tấn công tế bào ung thư.
Bác sĩ Khôi nhận định "liệu pháp miễn dịch ung thư có thể xem là bước đột phá" trong bối cảnh ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm nhất trong các bệnh ung thư với tỷ lệ tử vong cao. Theo số liệu thống kê của Globocan năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 trên thế giới với hơn 2,2 triệu người (chiếm 11,4%), trong khi số ca tử vong đứng hàng đầu gần 1,8 triệu người. Liệu pháp này đã được chứng minh có hiệu quả đáng kể trong điều trị nhiều loại ung thư, trong đó, có ung thư phổi. Nhiều người bệnh đáp ứng tốt, sau khi ổn định có thể trở về cuộc sống thường nhật.
"Điều trị miễn dịch còn có thể đạt được nhiều hiệu quả tích cực hơn nữa. Bởi hiện nay, chúng ta mới nói đến điều trị miễn dịch cho bệnh nhân giai đoạn trễ. Tương lai của điều trị miễn dịch đối với bệnh nhân giai đoạn sớm, tức là bệnh nhân có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch ngay sau khi phẫu thuật. Khi số lượng tế bào ung thư còn nhỏ, hệ miễn dịch của cơ thể có thể khống chế, không để tái phát", bác sĩ Khôi chia sẻ.
Nhiều bệnh nhân tiếp cận liệu pháp miễn dịch
Trên thế giới, liệu pháp miễn dịch đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt để điều trị nhiều loại ung thư. Vào tháng 12/2017, liệu pháp này đã được MSD (tên gọi của Merck & Co tại các thị trường ngoài Mỹ và Canada) giới thiệu sớm tại Việt Nam. Hiện, Bộ Y tế đã phê duyệt nhiều loại thuốc miễn dịch để điều trị các bệnh ung thư khác nhau.
Trong vài năm qua, thông qua hợp tác của Quỹ Ngày mai Tươi sáng với MSD, nhiều bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ đã được tiếp cận phương pháp này. Chương trình được triển khai ở 36 bệnh viện trên cả nước.
Đại diện Quỹ Ngày mai Tươi sáng cho biết, ung thư không chỉ là căn bệnh nan y, khó điều trị, mà còn là gánh nặng tài chính lớn cho người bệnh và gia đình. Các liệu pháp điều trị ung thư có chi phí cao so với mức thu nhập trung bình hiện nay của người dân. Các chương trình hỗ trợ giúp giảm gánh nặng và tăng khả năng tiếp cận liệu pháp mới, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Bác sĩ Tuấn Khôi khuyến cáo, cần nâng cao nhận thức về việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư phổi, nhất là nhóm người có nguy cơ cao (hút thuốc, có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi...). Nam và nữ giới không nên hút thuốc lá và tránh khói thuốc, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, hạn chế thức khuya, căng thẳng... để phòng ngừa căn bệnh này. Người có các dấu hiệu như ho nhiều, khàn giọng, sụt cân không rõ lý do, đau ngực... nên đến bệnh viện để thăm khám sớm.
Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Ngọc An