Vaccine có khả năng bảo vệ lâu dài chống Covid-19, là phương pháp nhanh và hiệu quả nhất giúp đẩy lùi đại dịch, tính đến nay. Nhiều nước ráo riết chạy đua tiêm chủng cho phần đông dân số càng sớm càng tốt. Tuy nhiên con người cần có sẵn hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để đáp ứng và mất vài tuần mới tạo ra phản ứng miễn dịch đặc hiệu với virus.
Một số người không thể tiêm chủng hoặc không sinh đủ miễn dịch sau tiêm. Nhóm này bao gồm bệnh nhân ung thư máu đang hóa trị; người phải lọc máu; bệnh nhân đang dùng thuốc chống thải ghép sau cấy ghép nội tạng; những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch cho các bệnh lupus ban đỏ, đa xơ cứng và viêm khớp dạng thấp.
Họ là "vùng xám" của chương trình tiêm chủng tại bất cứ quốc gia nào, dễ dàng bị bỏ lại nếu không có cách điều trị thay thế hiệu quả và nhanh chóng hơn. Một trong những phương án khả thi là liệu pháp kháng thể đơn dòng, với nhiều ứng viên tiềm năng từ AstraZeneca, Regeneron, GlaxoSmithKline (GSK) hoặc Brii Biosciences.
Về cơ bản, kháng thể đơn dòng được phát triển trong phòng thí nghiệm, giống với miễn dịch của người từng mắc Covid-19. Sau khi tiêm vào cơ thể, chúng đủ sức ghi nhớ và tiêu diệt mầm bệnh trong thời gian dài.
Ngày 18/11, AstraZeneca công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba cho thấy liệu pháp kháng thể AZD7442 giúp giảm 88% nguy cơ chuyển nặng hoặc tử vong do mắc Covid-19. Liệu pháp cũng làm giảm 83% khả năng nhiễm nCoV có triệu chứng.
Dữ liệu mới rút ra từ hai nghiên cứu độc lập: Thử nghiệm phòng ngừa PROVENT và thử nghiệm điều trị ngoại trú TACKLE, kéo dài 6 tháng. Cả hai cho thấy AZD7442 hiệu quả mạnh mẽ chỉ sau một lần tiêm bắp.
AZD7442 chứa hai kháng thể đơn dòng: tixagevimab và cilgavimab, nguồn gốc từ các bệnh nhân đã hồi phục sau nhiễm nCoV. Sau khi được đưa vào cơ thể, tixagevimab và cilgavimab nhận ra các thành phần đặc trưng của nCoV (protein gai), tấn công trực tiếp hoặc liên kết với virus, ngăn virus hoạt động và thông báo sự hiện diện của chúng với tế bào miễn dịch sát thủ.
Sau khi tiêu diệt mầm bệnh, kháng thể vẫn còn trong cơ thể người một khoảng thời gian, tạo nên một phần bộ nhớ miễn dịch. Nếu người này tiếp xúc với nCoV một lần nữa, chúng tái hoạt động và lại đẩy lùi virus.
Loại thuốc kháng thể khác là REGEN-COV, do hãng dược Regeneron phát triển, cũng giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong ở một số bệnh nhân Covid-19 nhập viện. Thuốc nhắm đến protein gai trên bề mặt nCoV để ngăn virus xâm nhập vào tế bào người.
Hồi tháng 6, Regeneron công bố kết quả nghiên cứu tại Anh trên hơn 9.700 tình nguyện viên cho thấy sử dụng liệu pháp bên cạnh các loại thuốc điều trị thông thường có thể giảm 20% nguy cơ tử vong ở người nhiễm nCoV.
Năm ngoái, cựu Tổng thống Donald Trump cũng được điều trị Covid-19 bằng liệu pháp này. Trước đó, thuốc chỉ dùng cho bệnh nhân trong giai đoạn mới mắc Covid-19. Tuy nhiên, thử nghiệm phát hiện sản phẩm hiệu quả với một số bệnh nhân nặng hơn.
GlaxoSmithKline (GSK) và Vir Biotechnology cũng hợp tác sản xuất thuốc kháng thể Sotrovimab. Thuốc có cơ chế hoạt động giống với REGEN-COV. Nghiên cứu của GSK công bố hồi tháng 6 cho thấy thuốc làm giảm 79% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện do Covid-19. Theo nghiên cứu khác đăng tải trên bioRxiv ngày 26/7, Sotrovimab có hiệu quả chống lại các biến thể như Delta.
Châu Âu ngày 28/7 đã đạt được thỏa thuận với GSK, mua hơn 220.000 liều Sotrovimab. Khoản hợp đồng giúp GSK thúc đẩy các nghiên cứu thuốc, sau thất bại trong phát triển vaccine.
Sotrovimab đã nhận phê duyệt khẩn cấp ở Mỹ, đang được Cơ quan Dược phẩm EU (EMA) đánh giá. Tại Mỹ, thuốc dành điều trị bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình, song có bệnh nền và thường dễ chuyển nặng. Hôm 17/11, chính phủ nước này đã ký hợp đồng trị giá gần 1 tỷ USD để mua Sotrovimab. GSK không nêu số lượng mà Mỹ đặt hàng, song cho biết thỏa thuận tỷ đô đã nâng tổng số liều thuốc Sotrovimab được đặt mua trên toàn cầu lên hơn 750.000.
Giới chức Trung Quốc cũng dự kiến phê duyệt kháng thể đơn dòng do các nhà nghiên cứu từBrii Biosciences (Mỹ), Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến và Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) hợp tác phát triển. Thuốc chứa hai kháng thể đơn dòng trung hòa, BRII-196 và BRII-198. Các nhà khoa học điều chế bằng cách nhân bản và kết hợp kháng thể từ người mắc Covid-19 đã hồi phục tại Trung Quốc.
Dữ liệu sơ bộ cho thấy thuốc làm giảm 78% nguy cơ nhập viện và tử vong cho bệnh nhân Covid-19, hiệu quả chống các biến thể nCoV như Delta. 800 bệnh nhân Trung Quốc đã được điều trị bằng thuốc mới.
Brii Biosciences tháng trước nộp đơn đề nghị cấp phép lên cơ quan quản lý Trung Quốc và Mỹ sau khi hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, kết quả tạm thời đầy hứa hẹn. Theo ông Summer Li, Giám đốc bộ phận Quan hệ Công chúng, công ty mong được phê duyệt có điều kiện ở Trung Quốc và chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở Mỹ. Nếu được cấp phép, công ty nhắm đến hai thị trường này, đồng thời ưu tiên các nước từng là điểm thử nghiệm lâm sàng như Brazil, Nam Phi, Mexico, Argentina và Philippines.
Tập đoàn Công nghệ Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG), công ty con của Sinopharm, cũng đang phát triển hai loại thuốc Covid-19. Một thuốc kháng thể đơn dòng và một thuốc điều chế từ huyết thanh miễn dịch immunoglobulin.
Zhang Yuntao, Phó chủ tịch kiêm trưởng ban khoa học của CNBG, tuần trước cho biết hãng sẽ thử nghiệm lâm sàng thuốc và báo cáo kết quả trong vòng một năm tới.
Trung Quốc đã chi 315 triệu nhân dân tệ (49,3 triệu USD) cho 53 dự án nghiên cứu và phát triển thuốc Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát cách đây hai năm.
Tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn y tế của Nhà Trắng, hồi tháng 8 từng nhận định thuốc kháng thể đơn dòng là "một biện pháp chưa được tận dụng nhiều" trong cuộc chiến chống Covid-19, đồng thời mong muốn mọi người nhận ra ưu điểm của phương pháp này.
Thuốc cần được tiêm sớm, lý tưởng nhất là trong vòng ba đến 4 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Đây là thời điểm virus nhân lên nhanh chóng trong cơ thể, dùng thuốc kịp thời tạo sự khác biệt lớn.
Thục Linh (Theo WSJ, USA Today, Conversation, SCMP)