Trong bài phỏng vấn mới đây với tờ Vogue, Selena Gomez thẳng thắn trải lòng về cuộc chiến chống lại lo âu, trầm cảm. Trải qua 90 ngày trong cơ sở phục hồi chức năng tâm thần, nữ nghệ sĩ 24 tuổi hiện vẫn tiếp tục trị liệu 5 lần một tuần theo liệu pháp hành vi biện chứng (DBT). "Nó hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi", Selena nói.
Xuất hiện từ cuối thập niên 1980, DBT là một dạng liệu pháp nhận thức hành vi vốn sử dụng cho bệnh nhân rối loạn nhân cách ranh giới. "Giờ đây, sau khoảng 30 năm, DBT được chứng minh hữu dụng đối với bệnh nhân trầm cảm, lo hãi và tâm trạng thất thường", Post dẫn lời nhà tâm lý học lâm sàng Amanda Spray, trợ lý giám đốc phòng khám quân sự Steven A. Cohen thuộc Đại học New York Langone (Mỹ).
DBT xác định, cải thiện các suy nghĩ tiêu cực và ngăn cản hành vi tự hủy hoại (như tự tử), hướng đến thay đổi tích cực. Bên cạnh cái nhìn mới về bản thân cũng như cuộc sống, DBT giúp con người tự chấp nhận, hiểu rằng không phải lúc nào mình cũng cần hoàn hảo. "Con gái chúng tôi được dạy rằng hãy thật kiên cường, mạnh mẽ, quyến rũ và thoải mái, tự tin. Thế nhưng, thi thoảng chúng tôi cũng cần được phép đau khổ", Selena bộc bạch.
Nhà tâm lý học Spray giải thích DBT bao gồm 4 thành phần cơ bản bao gồm chánh niệm (tuệ tri, hiểu rõ sự việc đang xảy ra), giao tiếp đa cá nhân (học cách hòa hợp nhu cầu của bản thân với người khác), điều hòa cảm xúc (xử lý và kiểm soát cảm xúc) và chịu đựng căng thẳng (lùi một bước để không hành động bốc đồng dưới tác động của stress).
Thông thường, liệu pháp DBT đòi hỏi các buổi điều trị hàng tuần, gặp gỡ nhóm cùng bài tập ở nhà cho phép bệnh nhân thực hành những gì đã học. Ở buổi trị liệu cá nhân, nhà tâm lý tập trung vào hành vi tự gây thương tích hoặc tự sát, các hành vi cản trở quá trình trị liệu, chất lượng sống, khả năng đối phó với stress, kỹ năng xã hội cơ bản.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1993 về rối loạn nhân cách ranh giới, giáo sư tâm lý học Marsha M. Linehan, người sáng tạo phương pháp DBT viết: "Điều quan trọng là dạy bệnh nhân cách kiểm soát nỗi đau tinh thần, không phải giảm bớt hoặc kéo họ ra khỏi khủng hoảng". Đối với trị liệu nhóm, các bệnh nhân cùng ngồi với nhau 2 tiếng rưỡi nghe chuyên gia trị liệu hướng dẫn thực hành 4 thành phần cơ bản kể trên.
Tiến sĩ Aleta Angelosante từ khoa Tâm thần Trẻ em và Thanh Thiếu niên, Đại học New York Langone khẳng định mục tiêu sau cùng của DBT là "xây dựng một cuộc đời đáng sống" chứ không điều trị triệu chứng. Mỗi nhà tâm lý khi sử dụng DBT đều cố gắng giúp bệnh nhân cảm thấy được trân trọng để thoải mái giao tiếp, mở lòng; từ đó xây dựng kế hoạch hành động tương lai.
Đem tới sự thay đổi đi kèm tự chấp nhận, DBT hiệu quả đối với những bệnh nhân từng bị cho là "khó can thiệp". Randy Wolbert, chuyên gia tư vấn tại Viện Linehan nơi đào tạo trị liệu DBT cho biết ngày càng nhiều chuyên gia tìm đến phương pháp này đồng thời kỳ vọng nó sẽ hỗ trợ tốt người mắc bệnh tâm lý như đã làm với Selana Gomez.
Minh Nguyên