Mảnh vỡ dài khoảng 2,7 m và rộng 3 m tìm thấy trên đảo Reunion, tây Ấn Độ Dương được cho là manh mối chính để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 của hãng Malaysia Airlines.
Một điều tra viên Boeing đã gửi cho chuyên gia an ninh máy bay Xavier Tytelman bản vẽ bộ phận của cánh máy bay Boeing 777. Theo Tytelman, cấu tạo bộ phận truyền động - động cơ di chuyển cánh lên và xuống, hoàn toàn phù hợp với hình ảnh mảnh vỡ.
Các nhà điều tra hàng không, trong đó có một nhà điều tra của Boeing, cũng xác định bộ phận là cánh phụ (flaperon) từ rìa của cánh máy bay Boeing 777. Theo nhà phân tích an toàn David Soucie, mảnh vỡ dường dư đã bị xé toạc khỏi máy bay. "Có vẻ như là do va chạm đột ngột", Soucie nói.
"Nếu đây là một phần của Boeing 777, chúng ta có thể khẳng định tự tin rằng đây là MH370 vì không có nhiều vụ rơi Boeing 777, và có không có vụ nào trong khu vực này", nhà phân tích hàng không của CNN Mary Schiavo, nói.
Ngoài ra còn có một con dấu trên đỉnh của phần đó "phù hợp với những gì tôi nhìn thấy ở máy bay Boeing 777", ông nói. Những thứ bám trên bề mặt mảnh vỡ cũng phù hợp với "hoạt động ký sinh" diễn ra khi bị ngâm dưới nước quá lâu.
Theo Telegraph, mã BB670 trên mảnh vỡ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguồn gốc của nó trong vòng 24 giờ. Mã này được cho là một hoặc một phần của ký tự nhận dạng, do nhà sản xuất đặt để giúp xác định nó. Đây có thể là mã đánh dấu bộ phận máy móc, số seri, mã vạch, hoặc mã bảo trì của máy bay.
Trước đó giới chức chủ yếu tập trung tìm kiếm ở khu vực tại Ấn Độ Dương cách đảo Reunion 6.000 km về phía đông. Tiến sĩ David Griffin, nhà hải dương học tham gia việc tìm kiếm MH370, cho biết điểm phát hiện mảnh vỡ phù hợp với dòng chảy đại dương, hướng gió và sóng tại khu vực này. Hải lưu chạy ngược chiều kim đồng hồ của Ấn Độ Dương đã di chuyển vật thể khỏi vùng tìm kiếm hiện tại về phía bắc, ra ngoài khơi bờ biển Tây Australia, và sau đó đi về phía tây, hướng tới đảo Reunion.
Khả năng tìm thấy MH370 vẫn khó
Lần liên lạc qua radar cuối cùng với chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cho thấy vị trí của nó ở phía trên biển Andaman, cách thành phố Penang, Malaysia khoảng 370 km về phía tây bắc. Đảo Reunion, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, cách Penang khoảng 5.630 km về phía tây nam.
Một câu hỏi đặt ra là làm thế nào mảnh vỡ lại đi xa đến như vậy. Tiến sĩ Griffin cho rằng mảnh vỡ đã trôi nổi trên mặt nước. Nó gần như không thể di chuyển dưới nước vì có thể bị chìm sâu xuống dưới hoặc mắc kẹt. Các mảnh vỡ không thể nổi sẽ không thể di chuyển xa được đến như vậy. Đây cũng là một trong những phần nhẹ nhất, dễ nổi nhất của cánh máy bay và dễ dàng tách ra khi gặp va chạm.
Tuy nhiên, điều này cũng không làm cho việc dự đoán vị trí các phần còn lại dễ dàng. Có khả năng hầu hết các mảnh vỡ đã chìm xuống đáy đại dương. Phần nặng nhất của máy bay và nhiều khả năng chìm xuống đáy biển ngay lập tức là động cơ, được thiết kế để tách ra khỏi cánh khi va chạm.
Ngoài ra, không dễ dự đoán được hướng của dòng chảy đại dương, và các mảnh vỡ cũng bị ảnh hưởng bởi gió và sóng. Đây còn là khu vực có hải lưu chảy ngược chiều kim đồng hồ, di chuyển về phía Australia ở phía nam và ra xa Australia ở phía bắc.
Phát hiện nhiều khả năng không làm thay đổi cuộc tìm kiếm dưới đáy biển, theo Martin Dolan, Cục trưởng Cục An toàn Giao thông Australia, người chỉ đạo cuộc tìm kiếm ở vùng biển xa xôi ngoài khơi bờ biển phía tây Australia. Nếu bộ phận được chứng minh thuộc về máy bay mất tích, nó sẽ khớp với giả thiết phi cơ rơi trong phạm vi tìm kiếm rộng 120.000 km2, cách Australia 1.800 km về phía tây nam, ông nói.
Phần chính của MH370 vẫn có thể ở nơi Australia đang tìm kiếm, ở đáy biển cách tây Australia hơn 1.600 km về phía tây.
Phương Vũ