Khi lập kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya, liên quân tính toán một kế hoạch đánh nhanh rút gọn và kịch bản họ không hề muốn là sự nhùng nhằng và bế tắc tại chiến trường Bắc Phi. Điều này được các nước tham gia liên quân nêu ra rõ ràng ngay từ đầu chiến dịch can thiệp quân sự, với danh nghĩa lập vùng cấm bay tại Libya theo nghị quyết Liên Hợp Quốc.
Máy bay liên quân tham gia chiến dịch Libya. Ảnh: AFP. |
Nhưng khi cuộc can thiệp Libya đang bước sang ngày thứ 28, dấu hiệu của sự bế tắc ngày càng rõ nét hơn. Hai nước đầu tàu liên quân là Anh và Pháp phải hối hả hâm nóng tinh thần chiến đấu của NATO cho thấy chiến dịch Libya đang đi không theo hướng họ tính toán từ đầu. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle từng cho rằng có thể "không có giải pháp quân sự" cho cuộc khủng hoảng Libya.
Chiến dịch Libya mở màn hôm 19/3, với giai đoạn đầu là đập tan hệ thống radar và tên lửa phòng không của Libya bằng các loại vũ khí hạng nặng như tên lửa Tomahawk. Tiếp theo là giai đoạn tiêu diệt các mục tiêu khác trên mặt đất như các đơn vị xe bọc thép và những cỗ xe phóng hỏa tiễn tự hành, nhằm làm tan vỡ quân đội của chế độ Gadhafi, đảm bảo vùng cấm bay có hiệu lực.
Với sức mạnh tổng hợp của không quân các nước Mỹ, Anh và Pháp, hệ thống phòng không Libya đã dễ dàng bị khuất phục. Nhưng vấn đề sau đó họ phải đối mặt là quân đội của đại tá Gadhafi đã tìm ra cách ứng phó. Lực lượng xe bọc thép Libya được ngụy trang kỹ lưỡng và ẩn bên các con đường, khiến các chuyến bay của liên quân rất khó xác định mục tiêu. Kết quả là nhiều máy bay chiến đấu xuất kích và quay về căn cứ với nguyên số bom và tên lửa dưới cánh.
Khó khăn của liên quân càng tăng khi Mỹ chỉ tham gia giai đoạn đầu đánh phá hệ thống phòng không Libya, sau đó trao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO mà thực tế là cho hai nước Anh và Pháp. Mỹ vẫn tiếp tục có các chuyến bay nhưng chỉ nhằm vào các cơ sở radar, không tìm diệt các phương tiện vũ khí di động của quân đội ủng hộ Gadhafi như trước.
Nhiệm vụ truy sát các xe bọc thép chở quân và xe tăng Libya được chuyển giao cho các đối tác châu Âu, vốn không mạnh về các phi cơ chuyên dụng như Mỹ kiểu máy bay pháo hạm AC-130 và máy bay chống tăng A10. Điều này ngay lập tức làm giảm hiệu quả các cuộc không kích của liên quân. Phe nổi dậy Libya cho rằng NATO phản ứng quá chậm và kêu gọi Mỹ quay lại để hạ gục lực lượng trên bộ của Gadhafi, mở đường cho họ chiếm Tripoli lật đổ chế độ.
Cả Paris và London cũng cùng chung mong muốn như phe nổi dậy Libya và kêu gọi Mỹ tái tham chiến với cường độ như giai đoạn đầu. Nhưng Washington vẫn chưa đồng ý và Anh, Pháp không còn cách nào khác phải hối thúc NATO đẩy mạnh hơn nữa các cuộc không kích. Ngoài ra họ liên tục tung ra các tối hậu thư đòi đại tá Muammar Gadhafi phải từ chức.
Trong khi đó, chế độ Gadhafi tin rằng việc họ tiếp tục tồn tại sẽ càng làm cho liên quân thêm mệt mỏi và bế tắc. Điều này khiến chính quyền chưa chịu lùi bước, dù sức ép mỗi ngày một tăng và tương lai sụp đổ được dự đoán là khó tránh. Tình thế khiến Libya lâm vào bế tắc, với việc NATO chưa thể khuất phục được chế độ Gadhafi nhưng phe nổi dậy lại không đủ mạnh để làm được điều đó.
Chiến dịch không kích kém hiệu quả trong khi không thể đổ bộ binh tham chiến Libya vì vướng nghị quyết Liên Hợp Quốc đã khiến liên quân quay sang chiến thuật gây tranh cãi là hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy. Italy và Qatar ủng hộ hành động này, trong khi Bỉ và một số nước khác lo ngại đây là điều trái với nghị quyết của Hội đồng Bảo an.
Kể từ khi chiến dịch mở màn, các hội nghị quốc tế ở nhiều cấp về Libya liên tục được mở ra từ Paris, London đến Doha. Nội dung chính của các sự kiện quốc tế này đều xoay quanh việc làm cách nào để chấm dứt chế độ Gadhafi. Mới đây nhất là hội nghị ngoại trưởng NATO tại Berlin hôm qua nhằm "xốc lại đội hình" liên quân đánh Libya.
Tại đây, Anh và Pháp tiếp tục kêu gọi các thành viên khác của NATO nhiệt tình hơn nữa trong chiến dịch Libya, nhưng chưa nhận được sự đáp lại như ý. Quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong hội nghị Berlin là "ủng hộ nỗ lực của NATO cho đến khi nào Gadhafi phải ra đi" có thể được hiểu như mục tiêu của liên quân vẫn được giữ nguyên.
Nhưng do chiến dịch không kích có nguy cơ khó tìm lối ra, việc liên quân hỗ trợ vũ khí cho lực lượng nổi dậy làm nốt phần việc lật đổ chế độ Gadhafi được dự đoán chỉ là vấn đề thời gian. Các nước châu Âu cũng đã dọn đường cho việc này bằng những quyết định hỗ trợ tài chính và các tuyên bố mập mờ về "hỗ trợ vật chất" cho phiến quân Libya trong hội nghị Doha hồi đầu tuần.
Đình Nguyễn