Từ trước khi chiến sự Israel - Hamas nổ ra tại Dải Gaza, lực lượng Mỹ tại Iraq và Syria đã hứng chịu nhiều vụ tấn công từ một số nhóm vũ trang mới nổi tại Iraq. Trong các thông báo trên mạng xã hội, những nhóm dân quân này tuyên bố họ là thành viên phong trào "Kháng chiến Hồi giáo".
Trong giai đoạn đó, Washington nhận định đây là những nhóm vũ trang vẫn do Iran hậu thuẫn, nhưng tách biệt khỏi các lực lượng dân quân Hồi giáo Shiite đã đăng ký hoạt động và hợp tác với chính phủ Iraq.
Tính tổ chức của phong trào mới nổi này được định hình rõ hơn khi xuất hiện kênh Telegram chính thức al-Elam al-Harbi (Truyền thông Chiến sự) vào ngày 18/10/2023 để nhận trách nhiệm vụ tấn công một ngày trước nhắm vào bốn căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria với danh nghĩa chung là liên minh Kháng chiến Hồi giáo tại Iraq (IRI).
Theo Viện Washington về Chính sách Cận Đông tại Mỹ, IRI ban đầu chỉ được xem là "thuật ngữ chung cho toàn bộ hoạt động của các nhóm dân quân thân Iran tại Iraq". Phong trào chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Đặc nhiệm Quds, lực lượng thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) của Iran, chuyên tiến hành các hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ Iran.
Tuy nhiên, IRI đã nhanh chóng phát triển thành một phần chiến thuật "tạo vỏ bọc", được Iran và các nhóm vũ trang được Tehran hậu thuẫn sử dụng từ năm 2019 nhằm tránh chịu hậu quả trực tiếp cho các hoạt động nhắm vào lực lượng Mỹ, theo giới quan sát.
IRI trở thành một lực lượng "trừu tượng, không có phiên hiệu" cụ thể chuyên đứng ra nhận trách nhiệm sau mỗi vụ tấn công vào mục tiêu có lính Mỹ, khiến Washington khó lần ra manh mối, giảm rủi ro chính trị cho các nhóm dân quân thành viên.
Dù IRI tuyên bố họ là một lực lượng thống nhất và truyền bá thông điệp đoàn kết phản đối cuộc chiến tại Dải Gaza, các nhóm dân quân trong phong trào vẫn hành động độc lập.
"Thực tế là những nhóm dân quân này không cạnh tranh vai trò lãnh đạo. Điều đó cho thấy họ đang được điều phối bởi một lực lượng có vị thế cao hơn, rất có khả năng là Đặc nhiệm Quds của IRGC", hai chuyên gia Hamdi Malik và Michael Knights, thuộc Viện Washington về Chính sách Cận Đông, phân tích.
Thông điệp xuyên suốt trong những đòn tấn công liên quan đến IRI là phản đối hiện diện quân sự Mỹ tại Iraq và Syria, yêu cầu "lực lượng chiếm đóng" rút quân khỏi lãnh thổ hai nước. Mỹ có khoảng 900 quân hoạt động ở Syria và hơn 2.500 binh sĩ đồn trú tại Iraq, di sản từ cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong những vụ tấn công lực lượng Mỹ trước tháng 10/2023, IRI cố gắng hạn chế thể hiện mối liên hệ với các nhóm dân quân Shiite có tên tuổi tại Iraq, đặc biệt là những tổ chức đã đăng ký hoạt động với Lực lượng Tổng động viên (Hashd Sha'abi, gọi tắt là PMF), trong đó nổi bật là hai nhóm Kataib Hezbollah và Harakat al-Nujaba.
PMF do chính phủ Iraq hậu thuẫn, được thành lập từ năm 2014 nhằm phục vụ cuộc chiến với IS. Mạng lưới này bao gồm khoảng 67 nhóm vũ trang hoạt động trên lãnh thổ Iraq với tổng cộng khoảng 230.000 dân quân, phần lớn là các nhóm Hồi giáo Shiite, cùng với các lực lượng Hồi giáo Sunni, Thiên chúa giáo và dân tộc thiểu số Yazidi.
Với đặc điểm lịch sử đó, Kataib Hezbollah cùng Harakat al-Nujaba và PMF về lý thuyết là một phần của lực lượng vũ trang Iraq và nằm dưới quyền chỉ huy của Thủ tướng Mohamed Shia al-Sudani, người giữ cương vị tổng chỉ huy quân đội. Tuy nhiên, PMF luôn bị Mỹ hoài nghi là nhóm vũ trang Shiite và chịu chi phối bởi Iran, có nhiều hoạt động lệch khỏi chủ trương tại Baghdad, theo trang phân tích Diễn đàn Trung Đông (MEForum).
Mối liên hệ giữa IRI và các nhóm nổi bật trong PMF được công khai từ thời điểm chiến sự Israel - Hamas nổ ra tại Dải Gaza.
"IRI quyết định giải phóng Iraq bằng biện pháp quân sự. Các chiến binh đã nhất trí. Chúng tôi sẽ không ngừng bước, không chấp nhận ngừng bắn và không đầu hàng", Akram al-Kaabi, thủ lĩnh tổ chức dân quân Harakat al-Nujaba, ngày 1/11/2023 tuyên bố.
Ngoài vị trí thủ lĩnh Harakat al-Nujaba, al-Kaabi còn giữ chức tổng thư ký Ủy ban Điều phối Kháng chiến Iraq, được xem là bộ máy chỉ đạo các nhóm dân quân thân thiện với Iran và là một phần "Trục Kháng chiến" do Tehran dẫn dắt tại Trung Đông để đối phó Israel. Tuyên bố của al-Kaabi cho thấy ông có thể đang giữ cả vai trò dẫn đầu IRI trong các vụ tập kích căn cứ Mỹ tại Iraq và Syria.
Những đòn tấn công của IRI liên lục leo thang trong hơn ba tháng qua đúng như cảnh báo vào tháng 11/2023 từ Akram al-Kaabi. Các nhóm thuộc liên minh này đã nhận trách nhiệm hơn 150 vụ tấn công nhắm vào các cơ sở quân sự và đơn vị Mỹ trong khu vực.
Đỉnh điểm trong số đó là vụ tập kích căn cứ Tháp 22 ở khu vực biên giới Jordan - Syria, hôm 28/1 khiến ba binh sĩ thiệt mạng. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh bình luận vụ tập kích có "dấu vết của nhóm Kataib Hezbollah". Đây cũng là lần đầu tiên quân nhân Mỹ thiệt mạng tại Trung Đông từ khi chiến sự nổ ra tại Dải Gaza, thúc đẩy "Trục Kháng chiến" của Iran tại khu vực tuyên bố trả đũa cả Mỹ và Israel.
Cáo buộc của Mỹ đẩy chính phủ Thủ tướng Mohamed Shia al-Sudani vào thế khó vì Kataib Hezbollah là thành viên PMF, tổ chức về lý thuyết là một phần lực lượng vũ trang Iraq và dưới quyền chỉ huy của Thủ tướng.
Dù Iraq đang trong quá trình đàm phán để quân đội Mỹ rút hoàn toàn khỏi lãnh thổ nước này, Thủ tướng al-Sudani không muốn leo thang căng thẳng với quân đội Mỹ hay Israel. Baghdad lo ngại viễn cảnh xung đột vũ trang quy mô lớn nổ ra tại Iraq sẽ đánh sập mọi nỗ lực tái thiết đất nước từ sau cuộc chiến với IS, đẩy Iraq trở lại tình trạng bất ổn về chính trị, xã hội và kinh tế.
Quân đội Mỹ và các cố vấn quân sự quốc tế vẫn đang đồn trú tại Iraq theo thỏa thuận đồng minh chống IS, do đó việc một tổ chức thành viên lực lượng vũ trang Iraq tấn công và làm quân nhân Mỹ thiệt mạng lại càng không thể chấp nhận được, theo MEForum.
Farhad Alaadin, cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Iraq, cho biết chính phủ tại Baghdad đang nỗ lực đàm phán "với mọi bên liên quan, trong lẫn ngoài biên giới Iraq" để ngăn căng thẳng mở rộng vì vụ tập kích ở biên giới Jordan - Syria.
Đến ngày 31/1, Abu Hussein al-Hamidawi, tổng thư ký lực lượng dân quân Kataib Hezbollah, tuyên bố tổ chức của mình sẽ tạm ngừng tất cả hoạt động quân sự và an ninh chống lại Mỹ, tiếp tục bảo vệ nhân dân Gaza bằng những biện pháp khác. Ông nhấn mạnh quyết định này nhằm "giữ thể diện cho chính phủ Iraq", đồng thời tiết lộ nội bộ IRI có bất đồng về chủ trương leo thang xung đột trực diện với Mỹ.
Tuy nhiên, tuyên bố từ nhóm Kataib Hezbollah vẫn không đủ sức nặng để chấm dứt mối đe dọa thường trực từ IRI nhắm vào quân đội Mỹ tại khu vực Iraq và Syria.
Akram al-Kaabi ngày 2/2 tuyên bố liên minh dân quân không từ bỏ ý định tiếp tục đấu tranh chống lại hiện diện quân sự Mỹ tại khu vực, dù thông cảm và tôn trọng việc Kataib Hezbollah quyết định đứng ngoài cuộc. Al-Kaabi nhấn mạnh al-Nujaba chỉ ngừng nhắm vào các căn cứ và đơn vị Mỹ một khi Mỹ rút quân khỏi Iraq và Israel kết thúc cuộc chiến với Hamas tại Dải Gaza.
Một ngày sau, IRI tuyên bố tập kích căn cứ không quân al-Harir ở tỉnh Erbil phía bắc Iraq và căn cứ al-Tanf ở Syria. Loạt vụ tập kích xảy ra vài giờ sau khi Mỹ không kích 85 mục tiêu được cho là cứ điểm của Đặc nhiệm Quds và các nhóm dân quân thân Iran ở Iraq và Syria.
Ngày 4/2, IRI tiếp tục tiến hành tập kích bằng UAV nhắm vào căn cứ quân sự Mỹ gần mỏ dầu Al-Omar ở tỉnh Deir ez-Zor, miền đông Syria. Đây là căn cứ lớn nhất do Mỹ và đồng minh vận hành tại quốc gia Trung Đông. Cuộc tập kích đánh trúng khu vực dành cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn, khiến 5 tay súng thiệt mạng và khoảng 20 người bị thương.
Hadi al-Ameri, lãnh đạo đảng Badr, tổ chức chính trị và bán quân sự thân Iran lâu đời nhất tại Iraq với gần nửa thế kỷ hoạt động, nhấn mạnh các vụ tấn công của IRI nhắm vào quân đội Mỹ là "phản ứng tự nhiên" của nhân dân Iraq vì phương Tây tiếp tục hậu thuẫn Israel.
Ông tái khẳng định xung đột chỉ có thể kết thúc một khi "liên quân quốc tế rời khỏi Iraq" và yêu cầu Baghdad xây dựng lộ trình hiện thực hóa mục tiêu này "nghiêm túc, cụ thể và khẩn trương".
Chiến thuật của IRI đang thu hẹp đáng kể các phương án hành động của Mỹ, theo Rasha al-Aqeed, nhà phân tích Trung Đông tại tạp chí New Lines chuyên về phóng sự và nghiên cứu quốc tế.
Mỹ không muốn leo thang hay mở rộng xung đột tại Iraq bằng cách triển khai thêm lực lượng đến đây. Điều này chỉ làm gia tăng bất bình xã hội nhắm vào lực lượng Mỹ đang đồn trú, vốn đã dâng cao đến mức Thủ tướng Mohamed Shia al-Sudani phải khởi động đàm phán buộc Mỹ rút quân.
Ben Connable, chuyên gia cấp cao thuộc tổ chức tư vấn chính sách Hội đồng Đại Tây Dương ở Mỹ, nhận định rằng Mỹ không muốn tấn công trả đũa IRI ở quy mô lớn và gây ra thương vong cao, dù Washington "có thừa khả năng thực hiện phương án này".
"Mỹ cần phản ứng cẩn trọng và kiềm chế. Đáp trả trực diện chỉ làm tăng nguy hiểm cho lực lượng Mỹ đồn trú khi quy mô lực lượng đã bị thu hẹp đáng kể trong thời gian qua", Connable bình luận.
Thanh Danh (Theo MEForum, NewArab, WashInstitute)