Khi thành lập tổ chức giáo dục của mình, tôi kiên quyết đặt yếu tố đảm bảo an toàn cho trẻ lên đầu. Mỗi tháng, chúng tôi cho học sinh cấp một và hai đi thực tế tại các địa phương khác nhau trong hai ngày với quy trình nghiêm ngặt. Trước mỗi chuyến đi, luôn có một buổi định hướng di chuyển cho các thành viên bao gồm cả phụ huynh tham dự kéo dài gần 3 tiếng nhằm giúp phụ huynh, học sinh và giáo viên nắm rõ các bước thực hiện. Ví dụ, phải điểm danh hai lần mỗi khi lên xe ô tô, kiểm tra hành lý, trang bị cho học sinh các kỹ năng xử lý sự cố say xe, ốm đau, các kỹ năng sơ cứu ban đầu, chăm sóc bản thân và kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh. Và đặc biệt, phải có sự kết nối, liên lạc chặt chẽ giữa thầy cô, nhà trường và phụ huynh trong mọi vấn đề của bọn trẻ.
Với mỗi lớp, chúng tôi tạo một nhóm Viber gồm số điện thoại của tất cả phụ huynh, giáo viên và bộ phận hành chính. Họ liên lạc trực tiếp với nhau dễ dàng gần như mọi lúc về các vấn đề liên quan đến việc đi lại, vui chơi, học tập của bọn trẻ. Giáo viên chịu trách nhiệm cập nhật mọi hoạt động và hình ảnh vào nhóm đó để phụ huynh biết con đang làm gì.
Một lần, chúng tôi tổ chức cho bọn trẻ đến Hội An. Khi cả nhóm đi ra biển chơi cuối giờ chiều, một cậu bé 12 tuổi đã từ chối không đi và xin phép ở khách sạn cùng cô quản lý trường. Dù các bạn xúm vào thuyết phục, em vẫn lựa chọn ở lại phòng. Khi cô giáo cập nhật hình ảnh vui chơi của bọn trẻ lên nhóm chat, mẹ cậu bé gọi ngay cho tôi hỏi vì sao không thấy con chị đi cùng các bạn.
Tôi giải thích cặn kẽ cho chị hiểu tình huống, và dù chúng tôi đã khuyến khích nhưng con vẫn chọn ở lại, và rằng nên tôn trọng cảm xúc của cháu. Chị phụ huynh sau đó vui vẻ ngắt máy. Chị nói rằng, ừ thì không sao, biết thế là an tâm hơn về con mình.
Những tình huống như vậy không chỉ diễn ra một lần. Nó giúp tôi hiểu tâm lý của phụ huynh là luôn muốn biết con đang làm gì, đang như thế nào. Dù chỉ là những thay đổi nhỏ trong lịch ăn, học của các con, song nếu không được cập nhật, cha mẹ có thể suy nghĩ theo hướng không tích cực. Sự chia sẻ kịp thời tình hình của bọn trẻ là điều vô cùng quan trọng để cha mẹ cảm thấy tin tưởng vào các thầy cô và nhà trường. Ngoài việc cập nhật sinh hoạt trên lớp, các trường hợp thay đổi kế hoạch đột xuất từ phía nhà trường, phụ huynh còn có thể nêu quan điểm, đóng góp ý kiến giúp cho trường hoạt động hiệu quả hơn.
Chúng tôi cũng thống nhất với nhau, những thông tin nào nên đưa lên nhóm chung, thông tin nào cần liên lạc riêng, giờ nào liên lạc giờ nào không nên. Giáo viên cũng chủ động liên lạc riêng với phụ huynh khi cần trao đổi về cá nhân một học sinh. Bộ phận quản lý hành chính của trường thông qua các nhóm chat này cũng theo dõi được sự tương tác giữa cha mẹ và giáo viên, lấy ý kiến của họ để cải thiện hoạt động. Tôi cho rằng, một nửa thời gian của đứa trẻ ở trường với giáo viên, nửa còn lại với gia đình, nên mối quan hệ của cha mẹ, học sinh và giáo viên giống như chiếc kiềng ba chân, quyết định rất lớn chất lượng dạy dỗ học trò đó. Khi chung sức, giáo viên và phụ huynh có thể trao cho bọn trẻ sự an tâm và niềm vui.
Nhưng mấy hôm nay, theo dõi vụ việc bé trai bị bỏ quên trên xe buýt của Trường PTLC Gateway, tôi khá bất ngờ khi nhà trường tuyệt đối không cho phụ huynh biết số điện thoại cá nhân của giáo viên chủ nhiệm. Mọi liên lạc đều phải qua bộ phận hành chính và một ứng dụng trên điện thoại. Phụ huynh cho biết họ đã gặp giáo viên chủ nhiệm xin số điện thoại nhưng giáo viên không cho "vì đó là nguyên tắc của nhà trường".
Điều này có thể phòng tránh được việc phụ huynh tác động tiêu cực hay đòi hỏi giáo viên thực hiện các yêu cầu của cá nhân họ. Nhưng thực sự để lại hậu quả khôn lường.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục dù hiện đại và tiết kiệm thời gian cũng không thể thay thế được con người. Cuối cùng thì chính nhân viên trường học vẫn là người kiểm tra hệ thống ứng dụng điểm danh đó mà báo cho phụ huynh nếu không phải là giáo viên chủ nhiệm thông báo trực tiếp. Gateway dường như đã đưa ra một quy trình quá cứng nhắc mà chưa tính đến sự linh hoạt trong việc xử lý tình huống cụ thể.
Điểm phản tác dụng của nguyên tắc này chính là làm giảm đi vai trò của giáo viên trong việc đồng hành cùng con và gia đình khi bản thân giáo viên không được phép tương tác với gia đình trẻ. Giáo viên là người nắm rõ nhất sức khoẻ, tinh thần, tình hình học tập và nét tính cách của đứa trẻ thì việc trao đổi từ phía nhà trường đến gia đình nhất định phải có vai trò của người kề bên đứa trẻ hàng ngày chứ không phải một cỗ máy hay bộ phận hành chính thậm chí có thể không biết mặt từng em.
Bản chất của một nền giáo dục chính là sự kết nối chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường trong việc nuôi dạy con người. Đại diện quan trọng nhất của nhà trường kết nối với phụ huynh trong hầu hết trường hợp, từ xưa đến nay như chúng ta đã trải nghiệm, chính là giáo viên chủ nhiệm chứ không phải một bộ phận thứ ba nào khác. Sự tắc trách trong khâu vận hành của Gateway là một bài học lớn cho toàn xã hội chứ không riêng một vài người.
Đã đến lúc Bộ Giáo dục ban hành ngay một văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy trình cụ thể cho trường học, gồm cả quy định về công tác giám sát, đánh giá và thực hiện các quy trình đó, đặc biệt là quy trình đảm bảo an toàn cho trẻ trong di chuyển, kết nối và học tập. Giá trị cốt lõi của giáo dục là vun đắp nên cốt cách con người, thế nên dù có công nghệ hỗ trợ thì vai trò của giáo viên, nhân viên nhà trường và gia đình cũng cần được nhấn mạnh và làm rõ trong bất cứ mái trường nào.
Mỗi trường học chắc chắn cần rà soát lại hoặc xây dựng các quy trình quản lý hiệu quả nhằm hỗ trợ giáo viên tốt nhất. Người dạy trẻ phải là một cây cầu nối hiệu quả nhất giữa gia đình và nhà trường trong việc vận hành một mô hình giáo dục. Ở đó, nếu mỗi người đều làm việc với tinh thần cao nhất của lương tâm và trách nhiệm thì chắc chắn họ sẽ xây nên con đường đi lâu dài cho chính ngôi trường ấy.
"Giáo dục là một sự cam kết chung giữa những người thầy tận tâm, học sinh hứng thú học tập và cha mẹ nhiệt tình hỗ trợ để đạt được kỳ vọng" - nhà lập pháp Mỹ Bob Beauprez từng có một câu nói nổi tiếng. Một khi giáo viên bị loại ra khỏi vòng tròn tương tác của mối quan hệ này thì giáo dục không còn mang màu sắc của giáo dục nhân bản nữa.
Chu Thị Vân Anh