Tại hội thảo "Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam" chiều 24/3 các nhà khoa học và quản lý đưa ra nhiều giải pháp để liên kết, đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường.
Theo TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp Khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cốt lõi đổi mới sáng tạo mở là tạo mạng lưới, trong đó liên kết các trường với nhau, đưa ra mô hình triển khai chung để giải quyết các bài toán lớn. Ông cho rằng, cần học hỏi từ Singapore trong việc đưa ra các bài toán khó từ các tổ chức để vườn ươm, startup, trường, viện tìm cách giải quyết.
"Vai trò các trường đại học là cầu nối điền khoảng trống hệ sinh thái khởi nghiệp", ông nói và cho rằng liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp giúp xây dựng đề án thí điểm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ đó là cơ sở để đề xuất một số luật mở đường cho những cái mới.
PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐHBK Hà Nội cho rằng, các trường đại học đang cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao giúp nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, tạo nguồn tri thức, thúc đẩy tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
"Các trường đại học đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của quốc gia", PGS Thắng nói và mong muốn chuyên gia gợi ý giải pháp để xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong các trường đại học.
Theo TS Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK Holdings, để có những startup thành công như Israel hay Silicon Valley (Mỹ), đều dựa trên nền tảng về đổi mới sáng tạo, trong đó hiện diện của trường đại học rất rõ nét.
Ông cho rằng, đổi mới sáng tạo trong trường đại học góp phần thu hút tài năng, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa, kết nối doanh nghiệp đồng thời tăng chỉ số trên bảng xếp hạng đại học quốc tế. Ông Dũng cũng dẫn mô hình BK Innovation hiện nay đang có đầy đủ hệ sinh thái từ ý tưởng, kết quả nghiên cứu, ươm tạo, tăng tốc đến quỹ đầu tư.
Trên thực tế nhiều trường đại học chủ động đưa kiến thức đổi mới vào các môn học như giáo trình đổi mới sáng tạo hay triển khai không gian nghiên cứu chung. TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm ứng dụng CNTT cho biết, trường ĐH Kinh tế quốc dân triển khai môn học khởi nghiệp từ năm 2006. Trường cũng thành lập trung tâm sáng tạo khởi nghiệp, tạo ra mạng lưới nhóm ươm với 500 sinh viên, 38 nhóm khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi như NEUrOn, I-Startup nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngay trong trường.
Các ý kiến đều đồng tình về vai trò quan trọng của trường đại học trong việc kết nối nghiên cứu với doanh nghiệp và chuyển giao kết quả ra thị trường. Tuy nhiên, ông Dũng thẳng thắn cho rằng, tư duy chủ đạo hiện mới chỉ tập trung cho trụ cột đào tạo và nghiên cứu, chưa chú trọng đến đổi mới sáng tạo.
"Việc đưa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để tạo ra hiệu quả xã hội vẫn còn yếu", ông Dũng nói. Bên cạnh đó hệ thống giáo dục chưa được đào tạo bài bản, thiếu đội ngũ mentor chuyên nghiệp về đổi mới sáng tạo hay chuyên gia, dẫn tới thất bại của spin-off, startup.
Ông gợi dẫn về mô hình "Block 71" của Singapore với sự kết hợp hỗ trợ chính phủ, doanh nghiệp và đại học đã tạo ra không gian sáng tạo giúp chắp cánh nên 60% startup thành công tại nước này.
Đối với Việt Nam, ông cho rằng tùy vào đặc thù và mục tiêu từng trường để đưa ra các mô hình phù hợp, trong đó hướng tới nghiên cứu, phát triển sở hữu trí tuệ, chuyển giao, công nghệ, tri thức, công ty spin-off.
TS Dũng nhấn mạnh các yếu tố để xây dựng thành công không chỉ số lượng và chất lượng nghiên cứu mà còn cung cấp cơ chế rõ ràng cho các nhà nghiên cứu thông qua phân bổ lợi nhuận, trong đó nhấn mạnh nguồn lực con người.
TS Lê Việt Thủy, Đại diện Đại học Kinh tế quốc dân đưa ra ba định hướng gồm đi tiên phong ủng hộ việc thử nghiệm ý tưởng mới; truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp thông qua các ý tưởng và tạo ra tác động, ưu tiên thương mại hóa sản phẩm.
Như Quỳnh