"Vũ khí dùng trong hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu khí của Arab Saudi năm ngoái có nguồn gốc từ Iran. Chúng có thể được chuyển giao theo phương thức trái với nghị quyết của Liên Hợp Quốc", Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết trong báo cáo gửi Hội đồng Bảo an hôm 12/6.
Các nhà điều tra đã phân tích mảnh vỡ tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong cuộc tấn công nhà máy lọc dầu Afif hồi tháng 5/2019, so sánh chúng với vũ khí thu được sau cuộc tập kích sân bay quốc tế Abha vào tháng 8, nhà máy Aramco ngày 14/9 và những lô khí tài bị Mỹ phát hiện ngoài khơi Yemen cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Nhóm điều tra cho rằng những khí tài trên đều "giống hệt nhau hoặc tương đồng" về thiết kế. Động cơ của các UAV có nhiều điểm chung với mẫu Shahed 783 được quân đội Iran ra mắt hồi giữa năm 2014, theo báo cáo gửi đến Hội đồng Bảo an.
Tuy nhiên, các nhà điều tra Liên Hợp Quốc không cáo buộc Iran thực hiện những cuộc tấn công này.
Giới chức Iran đã bác bỏ nội dung báo cáo. "Ban Thư ký Liên Hợp Quốc không có khả năng và trình độ chuyên môn để thực hiện cuộc điều tra phức tạp và nhạy cảm như vậy", phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc ra thông cáo hôm 12/6, thêm rằng báo cáo dựa một phần vào những vụ Mỹ bắt vũ khí tại Trung Đông.
Kết luận của Liên Hợp Quốc có thể giúp chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng áp lực trong bối cảnh Washington muốn kéo dài lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Tehran dự kiến hết hạn cuối năm nay. Nga và Trung Quốc đã tỏ ý không sẵn sàng gia hạn lệnh cấm vận này.
Loạt vụ tấn công đã gây gián đoạn nguồn cung dầu của Arab Saudi, khiến giá dầu thế giới tăng mạnh. Phiến quân Houthi tại Yemen nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công, trong khi Mỹ và đồng minh Trung Đông khẳng định vũ khí hiện đại và phương thức tác chiến phức tạp cho thấy Iran đứng sau những vụ tập kích này. Tehran liên tục bác bỏ cáo buộc và khẳng định không liên quan.
Vũ Anh (Theo Bloomberg)