Hội nghị bảo tồn thiên nhiên lớn nhất thế giới do Liên Hợp Quốc khởi xướng diễn ra từ 25-27/2 tại Rome, Italia, nối lại vòng đàm phán đổ vỡ tại COP16 năm ngoái.
Các quốc gia cần bàn kế hoạch về mục tiêu tài chính 200 tỷ USD mỗi năm cho thiên nhiên vào năm 2030, đã bao gồm khoản tiền 30 tỷ USD nhóm nước giàu chi trả cho nhóm nghèo mỗi năm.

Ngư dân đẩy thuyền trong cảnh hạn hán ở Manaus, bang Amazonas, Brazil, ngày 24/9/2024. Ảnh: AP
Năm 2022, các nước đã đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, cam kết bảo vệ 30% đất liền và biển của thế giới vào năm 2030. Hai năm sau đó, họ họp tại COP16 Cali, Colombia, tiếp tục mặc cả số tiền cần thiết để bảo vệ một triệu loài đang bị đe dọa.
Một trong những câu hỏi khó trả lời nhất là làm thế nào để các quốc gia giàu có ở châu Âu và những khu vực khác chấp nhận tài trợ hoặc cho vay lãi suất thấp để giúp đỡ nhóm nghèo hơn bảo tồn thiên nhiên.
Vào thời điểm gõ búa kết thúc đàm phán ở Cali năm 2024, các nước chỉ chốt được 163 triệu USD, một con số rất nhỏ so với mục tiêu 30 tỷ USD mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Giới quan sát không kỳ vọng một con số cam kết tài chính lớn tại vòng đàm phán Rome, nhưng muốn minh bạch hơn về đối tượng lẫn mức chi trả cho thiên nhiên.
Bên cạnh đó, mặc dù Mỹ không tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học, những thay đổi chính sách gần đây của nước này có thể có tác động tiêu cực đến thiện chí của các quốc gia trong cam kết tài trợ, hỗ trợ chính sách thân thiện thiên nhiên. Còn các nước phát triển như Pháp và Đức đang trong cuộc khủng hoảng ngân sách.
Năm 2022, các quốc gia đã xác định 23 mục tiêu cần đạt được trong thập kỷ này nhằm bảo vệ hành tinh và các sinh vật sống khỏi nạn phá rừng, khai thác quá mức tài nguyên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm và các loài xâm lấn.
Việc không đạt được thỏa thuận tại Cali là kết quả đầu tiên trong một loạt thất vọng khác tại các hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc năm ngoái. Vòng đàm phán cuối cùng về nhựa tại Busan, Hàn Quốc, không đạt được thỏa thuận. Còn COP29 ở Azerbaijan đạt được thỏa thuận tài chính khí hậu, nhưng bị các quốc gia đang phát triển chỉ trích là đáng thất vọng.
Bảo Bảo (theo Reuters, AFP)