Nghị quyết điều tra chiến dịch truy quét tội phạm ma tuý của Tổng thống Philippines Duterte được Iceland đưa ra tại Hội đồng Nhân quyền ngày 11/7, thông qua với 18 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 15 phiếu trắng.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro L. Locsin Jr. cho rằng quyết định của Hội đồng "thổi bay mọi đóng góp của Philippines dành cho Hội đồng kể từ khi thành lập". Hội đồng Nhân quyền gồm 47 thành viên, được Liên Hợp Quốc thành lập năm 2006.
"Chúng tôi không chấp nhận phương án chính trị mang tính phe phái và một chiều. Nó tách rời sự thật trên mặt đất, như thể xuất phát từ miệng của Nữ hoàng ở Alice ở xứ sở thần tiên", Locsin nói.
"Đừng tự cho mình quyền đe doạ các quốc gia có trách nhiệm khi họ thực thi biện pháp cứng rắn để tiêu diệt tội phạm", Locsin nói thêm.
"Cứ để họ nói rõ mục đích và tôi sẽ tính sau", Tổng thống Duterte trả lời phóng viên cùng ngày rằng ông sẽ xem xét đề xuất điều tra.
Cuộc chiến chống ma tuý của Tổng thống Duterte vấp phải rất nhiều phản đối, gồm vi phạm nhân quyền thô bạo.
Cảnh sát quốc gia Philippines cho biết hơn 6.600 người thiệt mạng trong các hoạt động truy quét tội phạm ma túy, nhưng các giám sát viên độc lập Liên Hợp Quốc tin rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5/2016, Tổng thống Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử. Nhiều nhóm đấu tranh vì nhân quyền tin rằng số người chết trong chiến dịch của Duterte lên tới 27.000 người.
Tháng trước, Kateleen Myca Ulpina, ba tuổi, con gái của một nghi phạm ma túy, đã trở thành nạn nhân nhỏ tuổi nhất trong chiến dịch. Vụ việc gây phẫn nộ cộng đồng, khiến 20 cảnh sát Philippines bị đình chỉ công tác để điều tra.
Ngọc Ánh (Theo CNN)