Myka Ulpina, 3 tuổi, con gái của một nghi phạm ma túy, thiệt mạng khi cảnh sát đang truy quét một băng đảng tại thị trấn gần Manila hôm 30/6. Theo cảnh sát, cha của Ulpina đã dùng em làm "lá chắn sống" khi bị truy đuổi và nổ súng vào cảnh sát, tuy nhiên mẹ bé gái phủ nhận điều này.
Phát ngôn viên cảnh sát Bernard Banac cho hay các sĩ quan tham gia vụ truy bắt đã bị đình chỉ và phải nộp lại vũ khí để các cơ quan chức năng điều tra, xác minh xem ai đã bắn chết Ulpina. Banac khẳng định rằng cha của bé gái đã rút súng trước cảnh sát.
Thượng nghị sĩ Philippines Ronald Dela Rosa hôm qua lên tiếng bảo vệ lực lượng cảnh sát nước này trước cái chết của Ulpina và cho rằng "thiệt hại là không thể tránh khỏi".
"Chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo", ông Dela Rosa, cựu lãnh đạo cơ quan cảnh sát quốc gia, từng chỉ đạo chiến dịch chống ma túy của Philippines, nói trong cuộc họp báo hôm 4/7. "Cảnh sát muốn bắn một đứa trẻ ư? Không bao giờ, vì họ cũng có con. Nhưng thiệt hại xảy ra trong các hoạt động là khó tránh khỏi".
Trong khi đó, các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích cảnh sát và xem đây là hành vi "giết người bất hợp pháp". "Đây không phải chuyện ngoài ý muốn. Nó là điều xảy ra khi chính phủ dựa vào công lý của khẩu súng thay vì tòa án", luật sư Jose Diokno nói.
Carlos Conde, nhà nghiên cứu người Philippines thuộc tổ chức giám sát nhân quyền có trụ sở tại New York, cho rằng những phát ngôn của thượng nghị sĩ Dela Rosa thể hiện "một thái độ khó coi, thậm chí khinh miệt đối với một vụ giết hại trẻ em".
Iceland hôm 4/7 đệ trình dự thảo nghị quyết được hơn 20 quốc gia ủng hộ, phần lớn là các nước châu Âu, để kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra hàng nghìn cái chết trong cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Văn bản kêu gọi chính phủ Philippines ngăn chặn các vụ "hành quyết phi pháp", đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền được yêu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này.
"27.000 người bị giết trong ba năm qua, bao gồm những người nghèo khổ nhất, trong cuộc đàn áp lớn. Đây là trường hợp tồi tệ nhất về các vụ giết người phi pháp trên toàn cầu trong bối cảnh không có xung đột vũ trang", Ellecer "Budit" Carlos của nhóm iDefend có trụ sở tại Manila cho biết.
Tuy nhiên, chính quyền Duterte khẳng định chỉ hơn 5.000 nghi phạm buôn bán ma túy bị giết trong cuộc truy quét. Diễn đàn Geneva sẽ bỏ phiếu về nghị quyết trên trước khi kết thúc phiên họp ba tuần vào ngày 12/7. Philippines là một trong 47 thành viên của diễn đàn.
Sau khi lên nắm quyền tháng 5/2016, ông Duterte phát động cuộc chiến chống ma túy, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử. Các nhóm hoạt động về nhân quyền tin rằng số người chết thực tế cao gấp 4 lần con số chính phủ cung cấp, do nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc diễn ra trong bí mật bởi những nhóm sát thủ do chính quyền thuê.
Mai Lâm (Theo Reuters)