NY Times nhận định trong thế giới điện ảnh, không sự kiện nào có thể sánh Cannes về độ hào nhoáng, tính nghệ thuật và cả ồn ào. Tháng 5 hàng năm, các ngôi sao, đạo diễn sẽ tụ họp để cùng xem phim, bàn luận, còn báo chí và giới chuyên môn vào cuộc đánh giá. Trong hơn một tuần, những kiệt tác được công bố, ngôi sao mới lộ diện. Ở đó, khán giả được chứng kiến những tràng vỗ tay nhiệt liệt và cả la ó, phản đối. Vì đại dịch, sự kiện năm nay phải hoãn. Tạp chí NY Times kết nối với những nhà làm phim nổi tiếng khắp thế giới, cùng hoài niệm Cannes và suy nghĩ về tương lai điện ảnh.
Alejandro González Iñárritu
Lần đầu tiên tôi đến Cannes là để giới thiệu bộ phim Amores Perros (2000). Đó cũng là lần đầu trong đời tôi dự một liên hoan phim. Vì ngân sách hạn hẹp, chúng tôi trọ tại một thị trấn có tiền thuê phòng rẻ hơn, cách Cannes 25 phút đi xe. Một ngày, tôi được mời đến buổi chụp hình với những đạo diễn khác lúc 7h tối, trước khi chiếu bộ phim In The Mood For Love. Tôi và vợ - Maria - nghĩ bắt taxi lúc 6h15 sẽ kịp, không lường được tình huống hết xe. Dù đang mặc tuxedo, váy dài và giày cao gót, chúng tôi không còn cách nào khác ngoài chạy thục mạng. Lúc đó nhiệt độ ngoài trời là 35 độ C, xe cộ kẹt cứng vì tắc đường. Khi chạy, vợ tôi cởi giày còn tôi cởi áo khoác, rồi nơ cà vạt, rồi từng cúc áo. Cuối cùng chúng tôi có mặt lúc 7h01 phút. Tôi mặc áo khoác và thấy mồ hôi ướt đẫm khắp người. Cười! Đèn flash nháy! Tách!
Đối với một nhà làm phim, trải nghiệm tham gia sự kiện huyền thoại với 2.000 chỗ ngồi này tương tự một cậu bé tín đồ Thiên Chúa bước vào thành Vatican. Chúng tôi đã xem In The Mood For Love trên màn hình to như 40 người ghép lại. Sau buổi chiếu, Maria và tôi bước đi im lặng khoảng 10 phút rồi đột ngột dừng bên bờ biển. Maria ôm và bắt đầu òa khóc trên vai tôi. Tôi cũng vậy. In The Mood For Love đã khiến chúng tôi nghẹn ngào và xúc động sâu sắc. Khoảnh khắc đó nhắc nhở tôi, mọi chuyện có khó khăn thế nào, tôi vẫn muốn trở thành một nhà làm phim.
Alice Rohrwacher
Cannes đã thay đổi cuộc đời tôi. Những bộ phim mở mang tự do trí tuệ và chào đón tôi trở thành đạo diễn. Khi tôi đang viết những dòng này, tôi nghe thấy tiếng ông Carlo bên ngoài cửa sổ - một người hàng xóm cũng gắn bó với Cannes. Chúng tôi sống ở hai ngọn đồi liền nhau. Tôi từng không nói chuyện với ông, vì ông là kẻ thù của cha tôi. Khi họ hét lên những lời chửi bới và buộc tội nhau, tiếng của họ vang vọng khắp núi rừng.
Khi tôi thực hiện bộ phim The Wonders (2014), Carlo đã xuất hiện để thử vai. Dù là tài xế xe tải, ông ấy có tố chất diễn viên thiên bẩm. Khi tôi và Carlo cùng làm việc, chúng tôi bắt đầu hiểu nhau hơn. Và tôi phát hoảng khi bộ phim được chọn chiếu ở Cannes. Tôi vừa muốn đưa Carlo tham dự, vừa muốn đi cùng gia đình. Nhưng họ sẽ lại cãi nhau ngay giữa lễ hội thì sao?
Trong buổi chiếu, tôi luôn để mắt đến cha. Đến giữa bộ phim, Carlo và cha tôi đã nhận ra họ trong câu chuyện. Họ cười và khóc cùng nhau. Họ trêu đùa ở buổi tiệc sau khi chiếu phim. Và trong vài ngày, họ trở thành bằng hữu, không thể tách rời. Từ đó, không còn tiếng hét giận dữ trong rừng, thay vào đó là lời chào hỏi thân thiện. Trong thời gian cách ly xã hội, Carlo là người duy nhất cha mẹ tôi gặp. Có những công việc ở nông trại trước đây không thể xử lý một mình, giờ cha tôi làm cùng Carlo. Họ đồng hành và gọi cho nhau mỗi tối trước khi ngủ.
Cannes đã thay đổi cuộc đời tôi như vậy.
Benny Safdie
Năm 2008, tôi có một phim ngắn được chiếu tranh giải phụ "Directors’ Fortnight" tại Cannes. Lúc đó tôi rất vội và bạn tôi đề nghị chở bằng xe máy của anh ấy. Tôi chắc chắn phạm luật vì không có mũ bảo hiểm, xe lại chở ba. Nhưng tôi nghĩ quãng đường ngắn thôi, chắc không có bất trắc gì. Dĩ nhiên, sau đó chúng tôi bị một cảnh sát giữ lại. Ông ấy yêu cầu chúng tôi đến sở cảnh sát nộp phạt.
Khi đến nơi, cảnh sát trưởng Jean-Marie Beulaygue nói muốn gặp tôi. Tôi rất sốc khi được mời vào phòng nghỉ và uống cà phê cùng ông. Khi tôi hỏi lý do, ông reo lên thích thú: "Bởi vì anh là một nhà làm phim!". Ông ấy đã đến tất cả buổi chiếu Director’s Fortnight và xem nhiều phim nhất có thể. Ở Cannes, ông chắc chắn là một người hâm mộ phim ảnh cuồng nhiệt. Sau khi tạm biệt, Jean-Marie muốn tôi hứa ghé thăm nếu quay lại Cannes, tôi cười to và đồng ý. Nhưng tôi biết chắc chắn mình không muốn quay lại.
Thật bất ngờ, chúng tôi có dịp đến Cannes năm sau đó. Khi đang vội vã chạy từ buổi họp này sang buổi họp khác, tôi nhận được điện thoại hoảng hốt từ nhà sản xuất người Pháp nói có hai cảnh sát đến tìm tôi. Tôi phải trấn an anh ấy và đi đến sở cảnh sát. Jean-Marie xuất hiện với nụ cười rạng rỡ: "Chào mừng quay trở lại".
Năm 2017, tôi và anh trai - Josh - tiếp tục có mặt ở Cannes, lần này chúng tôi tranh giải chính với phim Good Time. Tôi không muốn lại bị truy tìm nữa nên đến thẳng sở cảnh sát để chào người bạn cũ. Nhưng không ai biết ông, kể cả khi tôi nói tên và cho họ xem ảnh. Khi bắt đầu nghi ngờ trí nhớ của mình, tôi nghe thấy tiếng ai đó hét lên từ khu vực chiếu phim Fortnight. Đó chính là Jean-Marie! Ông đã nghỉ hưu nhiều năm trước và đang làm việc tại Cannes. Ông kéo tôi vào tòa nhà và khoe với mọi người: "Thấy không, chúng tôi quen nhau mà!". Có vẻ ông đã kể câu chuyện này cho nhiều nhân viên ở đây nhưng không ai tin cả.
Giả Trương Kha
Tôi nhận được lời mời ăn trưa ở Cannes năm 2013. Tiếng Anh của tôi không tốt nên khá mệt mỏi. Tôi vẫn đến nhưng nghĩ mình sẽ rời đi ngay sau đó. Tới nơi, tôi thấy đạo diễn Thierry Frémaux và Lý An, cùng một người đàn ông nữa ngồi xe lăn. Tôi chào họ và ra ngoài hút thuốc. Trợ lý của đạo diễn Lý An tìm tôi, dẫn đến gặp người đàn ông ngồi xe lăn và nói: "Anh Giả, ông Bertolucci muốn nói chuyện với anh". Lúc đó tôi kinh ngạc và mở to mắt: "Không đùa chứ! Đây chính là Bernardo Bertolucci!". Ông cầm tay tôi và nói, đạo diễn Lý An phiên dịch: "Làm thế nào để tôi xem được Useless? Đó là bộ phim duy nhất của anh mà tôi chưa được xem". Đó là điều truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất với tôi.
Năm 2008, tại buổi họp báo phim 24 City, đạo diễn Abbas Kiarostami đứng chờ ở cửa. Khi tôi đi qua, ông ấy tặng tôi một chiếc ôm. Chúng tôi không kịp nói gì, ông rời đi vội vã nhưng hơi ấm đó vẫn ở lại bên tôi. Năm 2015, khi thực hiện buổi chụp ảnh cho phim Mountains May Depart, đạo diễn Agnès Varda bất ngờ xuất hiện. Bà đi ngang, phớt lờ mọi ánh đèn flash và máy quay, một bên bà cầm tay tôi, một bên cầm tay vợ tôi - Triệu Đào. Sau này khi nhìn lại những bức ảnh ngày đó, tôi thấy Agnès luôn chú ý đến chúng tôi, ánh mắt đầy quan tâm như một người bà. Đáng tiếc, Bernardo Bertolucci, Abbas Kiarostami và Agnès Varda đều đã qua đời. Nhưng ở Cannes, họ để lại những ảnh hưởng và tình cảm nồng ấm cho thế hệ trẻ, điều đó thôi thúc chúng tôi tiếp tục sống và làm phim.
Kleber Mendonça Filho
Tôi vẫn nhớ...
Âm thanh tàn nhẫn đặc trưng của những chiếc ghế bị bỏ lại ở rạp Debussy và Lumiere. Chúng bị bỏ lại bởi những người muốn cả rạp biết họ rời đi lúc phim mới chiếu được 20 phút.
Buổi chiếu đặc biệt của The Leopard năm 2010. Tôi được ngồi ngay trước những ngôi sao của phim - diễn viên Alain Delon và Claudia Cardinale. Đó là khoảnh khắc đặc biệt giữ lại cả không gian và thời gian ở Cannes. Họ ngồi xem hết phim ở ghế sau tôi và dường như thực sự xúc động.
Phản ứng của khán giả và những tràng vỗ tay hưởng ứng Aquarius (2016) và Bacurau (2019) khi đèn sáng, đạo diễn kỹ xảo điện ảnh Thierry bước vào cùng êkíp quay phim. Đó là một khoảnh khắc điên rồ và đặc biệt ở Cannes, không giống bất cứ nơi nào khác. Bạn sẽ vừa muốn kết thúc, vừa muốn nó kéo dài mãi.
>>> Đọc tiếp
Hồi tháng 3, lãnh đạo LHP Cannes (Pháp) thông báo hoãn sự kiện thường niên. Vốn ủng hộ việc xem phim rạp, ban tổ chức không muốn tiến hành sự kiện qua nền tảng trực tuyến.
Ngày 10/5, ban tổ chức quyết định thay đổi cách thực hiện. Họ sẽ công bố những tác phẩm dự thi vào đầu tháng 6, sau đó chiếu chúng ở các sự kiện điện ảnh từ mùa thu đến cuối năm, như LHP Toronto (Canada), New York (Mỹ), San Sebastian (Tây Ban Nha), Busan (Hàn Quốc), Venice (Italy). Loạt phim này sẽ dán nhãn "Cannes 2020" dù không ra mắt ở thành phố này.
Thu Thảo (Theo NY Times)