Nỗi khốn cùng của người tị nạn gốc Albania ở Kosovo (Fragilecology). |
Đầu tiên Nam Tư được thành lập như là một vương quốc vào năm 1918, khi cuộc đại chiến thế giới lần thứ nhất kết thúc. Đến năm 1945, khi phe phát xít bị đánh bại trong cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai, Nam Tư được tái tạo thành một nhà nước liên mang theo đường lối xã hội chủ nghĩa.
Hiến pháp Nam Tư lúc đó liên kết 6 nước cộng hoà vào thành một liên bang gồm Bosnia-Hercegovina, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia. Trong đó riêng Serbia lại có hai tỉnh thực hiện quy chế tự trị là Kosovo và Vojvodina.
1991-1992: Sự tan rã
Sau hơn 8 thập kỷ tồn tại, đến năm 1992 nhà nước Nam Tư thống nhất bắt đầu tan vỡ dần thành từng quốc gia riêng. Chủ nghĩa dân tộc một lần nữa trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành lực lượng chi phối ở khu vực Balkans.
Đầu tiên là Slovenia rồi đến lượt Croatia ly khải khỏi Nam Tư, nhưng cái giá họ phải trả là làm sống lại cuộc xung đột với Serbia. Cuộc chiến xảy ra tại Croatia khiến hàng trăm nghìn người phải chạy tị nạn, làm người ta nhớ lại những ký ức kinh hoàng hồi thập kỷ 40.
(Click vào ảnh để xem cho rõ) |
Năm 1992 còn chứng kiến sự bùng nổ thêm một cuộc xung đột nữa ở Bosnia, nước cộng hoà cũng tuyên bố độc lập khỏi Nam Tư. Những người thuộc sắc tộc Serbia sống tại đây kiên quyết giữ Bosnia ở lại Liên bang Nam Tư để giúp xây dựng nước cộng hoà Serbia hùng mạnh hơn.
Họ nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía các nhóm theo tư tưởng dân tộc ở Belgrade, thủ đô Serbia và toàn liên bang. Những tín đồ Hồi giáo ở Bosnia bị lùa khỏi nhà của họ trong các chiến dịch được lên kế hoạch tỉ mỉ, vốn nổi tiếng với tên gọi là "cuộc thanh lọc sắc tộc".
Tới năm 1993, chính phủ Hồi giáo của Bosnia bị các lực lượng của người gốc Serbia vây khốn ở thủ đô Sarajevo. Lúc đó sức mạnh vũ trang của những người thuộc sắc tộc Serbia vốn đang kiểm soát tới 70% nước cộng hoà Bosnia.
Trong khi đó ở miền trung Bosnia, quân đội gồm chủ yếu là các tín đồ Hồi giáo lại giao tranh với với những người Bosnia gốc Croatia, vốn mong muốn tách ra để thuộc về nước cộng Croatia. Sự có mặt của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc nhằm kiềm chế tình trạng hỗn loạn chia năm xẻ bảy ở Bosnia là vô hiệu.
1995: Thoả thuận hoà bình Dayton
Áp lực từ phía Mỹ nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Bosnia cuối cùng cũng dẫn tới hiệp định hoà bình ký tại Dayton vào tháng 11/1995. Theo hoà ước này hai thực thể tự trị được thành lập tại Bosnia, đó là Cộng hoà của người Bosnia gốc Serbia và Liên bang Hồi giáo-Croat.
Sự dàn xếp trên nhằm mục đích mang đến sự hồi phục của nhà nước Bosnia và bảo vệ nhân quyền. Nhưng hiệp định này cũng bị chỉ trích gay gắt vì nó không khắc phục được hậu quả của nạn thanh lọc sắc tộc do người Hồi giáo-Croatia và người Serbia đã có chính phủ, quốc hội và quân đội riêng của họ.
Lực lượng gìn giữ hoà bình NATO được triển khai tới Serbia lúc đó có nhiệm vụ ban đầu là thực hiện khía cạnh quân sự của thoả thuận Dayton, giám sát sự phân tách của các lực lượng không cho họ giao tranh với nhau. Nhưng NATO cũng được giao những quyền lực bổ sung rất lớn, gồm quyền bắt những tội phạm chiến tranh bị kết tội.
Trong khi đó, Croatia đã giành lại hầu hết các vùng lãnh thổ bị người Serbia chiếm giữ trước đây trong những chiến dịch quân sự bất thình lình vào năm 1995. Sự kiện này cũng gây ra một cuộc di cư quy mô lớn của khoảng 200.000 người gốc Serbia ra khỏi Croatia.
Tổng thống Milosevic (trái) trong lễ ký thoả thuận hoà bình ở Dayton, bang Ohio Mỹ (CNN) |
1999: Sự can thiệp vào Kosovo
Năm 1998, 9 năm sau khi quyền tự trị của tỉnh Kosovo bị bãi bỏ, lực lượng Quân đội Giải phóng Kosovo, vốn nhận được sự ủng hộ của người thuộc sắc tộc Albania chiếm đa số tại đây, đã nổi dậy công khai chống lại sự thống trị của chính quyền Serbia.
Cộng đồng quốc tế lúc đó chỉ hậu thuẫn cho quyền tự trị lớn hơn của Kosovo nên phản đối yêu sách đòi độc lập hoàn toàn của người gốc Albania ở đây. Nhưng thế giới cũng gia tăng sức ép đối với nhà lãnh đạo Serbia đầy quyền lực Slobodan Milosevic phải chấm dứt nạn bạo lực leo thang ở tỉnh Kosovo.
Những lời đe doạ về hành động quân sự của phương tây đối với cuộc khủng hoảng Kosovo lên tới đỉnh điểm khi NATO mở cuộc không kích vào Nam Tư, tháng 3/1999, và trở thành cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào một quốc gia châu Âu có chủ quyền trong lịch sử NATO.
Các vụ oanh kích ban đầu chỉ tập trung vào các mục tiêu quân sự ở Kosovo và toàn cõi Serbia, nhưng sau đó chúng được mở rộng sang hàng loạt mục tiêu khác như cầu cống, nhà máy lọc dầu, cơ sở phát điện và hệ thống thông tin liên lạc.
Trong vòng vài ngày sau khi cuộc oanh kích của NATO mở màn, hàng chục nghìn người tị nạn Kosovo gốc Albania lũ lượt chạy khỏi tỉnh này. Trong bối cảnh đó, xảy ra hàng loạt vụ giết chóc, bạo lực và trục xuất ép buộc do quân đội Serbia gây ra.
Tiếp theo, việc đưa dân tị nạn nói trên cùng những người đã bỏ chạy từ vài tháng trước cuộc oanh kích trở lại khu vực sinh sống của mình ở Kosovo là ưu tiên hàng đầu của các nước thuộc liên quân sự NATO.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Serbia và Montenegro, nước cộng hoà duy nhất thuộc Nam Tư trước đây còn tồn tại chung một mái nhà với họ, đã xuống đến mức thấp nhất. Các nhà lãnh đạo Montenegro tìm cách tách khỏi cách giải quyết vấn đề Kosovo của Milosevic.
NATO oanh kích Belgrade trong vụ can thiệp vấn đề Kosovo (AP) |
2000-2003: Milosevic bị lật đổ
Nam Tư biến mất khỏi bản đồ châu Âu sau 83 năm tồn tại và được thay thế bằng một liên bang lỏng lẻo hơn, có cách gọi đơn giản là Serbia và Montenegro, theo tên gọi riêng của hai nước cộng hoà còn lại tiếp tục kết hợp được với nhau.
Sự dàn xếp nói trên đạt được dưới sức ép của Liên minh châu Âu (EU), vốn muốn ngăn lại tiến trình hướng tới một nhà nước độc lập đầy đủ của Montenegro. Tuy nhiên, các chính trị gia người Montenegro có ý định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào năm 2006 và sự kiện này mới diễn ra hôm chủ nhật 21/5 vừa qua.
Cái chết của Liên bang Nam Tư chỉ là một trong những rất nhiều thay đổi trọng yếu xảy ra kể từ khi chấm dứt cuộc xung đột ở Kosovo.
Slobodan Milosevic thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000. Ông này kiên quyết không chịu chấp nhận kết quả đó và bị buộc phải rời khỏi chính trường sau những cuộc tuần hành và biểu tình rầm rộ, mà đỉnh điểm là vụ người dân tràn vào tấn công toà nhà quốc hội ở Belgrade.
Milosevic bị bắt và giao cho một toà án xét xử tội ác chiến tranh của Liên Hợp Quốc ở La Haye. Nhà lãnh đạo vang bóng một thời này bị đưa ra vành móng ngựa vì các tội danh chống lại loài người và diệt chủng.
Trong lúc đó, Kosovo trở thành vùng đất bị Liên Hợp Quốc kiểm soát, dù một số quyền lực bắt đầu được chuyển giao lại cho các cơ quan được bầu lên ở địa phương. Một trong những vấn đề chính ở đây hiện nay là đưa trở về nhà những người gốc Serbia, bỏ chạy sau khi các lực lượng an ninh Nam Tư rút khỏi Kosovo năm 1999.
Cuộc xung đột giữa hai sắc tộc Serbia và Albania suýt bùng nổ vào cuối năm 2000 ở thung lũng Presevo, trên phần đất của Serbia ở biên giới Kosovo, Nhưng cuộc đối thoại giữa du kích quân gốc Albania và chính quyền mới tại Belgrade (thủ đô liên bang Serbia và Montenegro) đã kịp tháo ngòi căng thẳng.
Trong bối cảnh đó bùng nổ một cuộc xung đột sắc tộc ở Macedonia năm 2001 và một lần nữa có sự dính líu của người thiểu số gốc Albania. Căng thẳng này được lực lượng gìn giữ hoà bình NATO kiềm chế và cuối cùng được giải quyết bằng các biện pháp chính trị.
2006: Cái chết của Milosevic
Milosevic bị xét xử tại La Haye (Reuters). |
Cựu tổng thống Slobodan Milosevic được phát hiện đã chết trong xà lim ở La Haye ngày 11/3/2006. Phiên toà dai dẳng xét xử ông này vốn liên tục bị trì hoãn do vấn đề sức khoẻ của bị cáo cuối cùng đã không thể đưa ra được một lời tuyên án.
Một cuộc điều tra của các chuyên gia Hà Lan kết luận rằng, Milosevic chết vì một cơn đau tim, bác bỏ lời cáo buộc của những người ủng hộ rằng ông đã bị đầu độc. Milosevic được đưa về an táng tại quê nhà ở Serbia là Pozarevac, nhưng chính phủ Serbia từ chối cho phép tổ chức một lễ tang cấp quốc gia.
Trong lúc này, Serbia đang chịu sức ép quốc tế ngày càng tăng về việc phải truy lùng và chuyển giao tướng Ratko Mladic, cựu tư lệnh gốc Serbia ở Bosnia, người đang đứng đầu danh sách nghi phạm gây tội ác phạm chiến tranh của toà án Liên Hợp Quốc cùng cựu đồng minh chính trị thời chiến đang lẩn trốn của ông ta là Radovan Karadzic.
Thất bại của Belgrade trong việc bắt giữ tướng Ratko Mladic đang kéo lùi hy vọng của Serbia trong việc gia nhập EU vì EU quyết định tạm ngừng các cuộc đàm phán về việc xây dựng quân hệ gần gũi hơn.
Trong bối cảnh này, quá trình hoà giải ở Kosovo giữa sắc tộc Albania chiếm đa và số ủng hộ độc lập với người thiểu số gốc Serbia vẫn lâm vào bế tắc. Các vòng đàm phán do Liên Hợp Quốc làm trung gian đã được tổ chức nhưng không có đột phá nào. LHQ muốn tìm giải pháp cuối cùng cho vấn đề Kosovo vào cuối năm nay.
Viễn cảnh tan rã hòan toàn của liên bang Serbia và Montenegro đã rõ sau khi cuộc trưng cầu dân ý ở Montenegro hôm 21/5 vừa qua cho thấy đa phần người dân ủng hộ tách khỏi Serbia. Kết quả chính thức tuy chưa được công bố nhưng nhiều khả năng châu Âu sẽ chứng kiến sự ra đời của một quốc gia độc lập mới.
Đình Chính (theo BBC)