Một vụ đánh bom của ETA ở Madrid. |
ETA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng địa phương “Euskadi Ta Azkatasuna”, nghĩa là Tổ quốc Basque tự do. Tổ chức này ra đời năm 1959 khi sinh viên Tây Ban Nha bắt đầu đứng lên đấu tranh chống sự đàn áp của chính quyền độc tài Franco. Dười thời tướng Franco, tiếng Basque bị cấm, nền văn hoá riêng của họ bị vùi dập, những trí thức, chính trị gia của xứ sở này bị bắt giam, tra tấn và thủ tiêu. Do đó, cơ chế tự trị mà xứ Basque được hưởng hàng thế kỷ đã bị tiêu diệt.
Tướng độc tài Franco. |
Cái chết của tướng Franco năm 1975 đã khiến tình hình thay đổi hoàn toàn đối với khu vực có gần hai triệu dân này. Kể từ đó, xứ Basque luôn được hưởng quy chế tự trị đầy đủ hơn lúc nào hết: có nghị viện, lực lượng cảnh sát, hệ thống giáo dục và phương thức thu thuế riêng.
Nhưng Tổ chức ETA và những người ủng hộ của họ vẫn đòi độc lập hoàn toàn cho xứ Basque. Vùng đất mà họ đòi thành lập một quốc gia riêng gồm 4 tỉnh ở miền bắc Tây Ban Nha: Vizcaya, Guipuzcoa, Alava, Navarra và 3 tỉnh miền tây nam Pháp: Labourd, Basse-Navarra, Soule. Để đạt được mục đích, ETA đã phát động một chiến dịch với các hành động như đánh bom, ám sát, bắt cóc tống tiền ...
Hậu quả là hơn 800 người vô tội đã thiệt mạng trong vòng 30 năm qua. Nhiều người trong số những nạn nhân của ETA thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha và những chính trị gia, luật sư phản đối yêu sách đòi độc lập của tổ chức này.
Người dân xứ Basque biểu tình đòi ETA chấm dứt các hành động đẫm máu. |
Không biết chính xác ETA gồm bao nhiêu thành viên nhưng những bất ổn do họ gây ra ở xứ Basque cũng như toàn cõi Tây Ban Nha thì ai cũng rõ. Tổ chức ETA có hẳn một đại diện chính trị công khai của mình, đó là đảng Herri Batasuna. Đây thực sự là cơ quan ngôn luận đầy sức mạnh của ETA. Một trong những nguyên nhân giúp ETA hoành hành là việc họ thành công trong việc huy động rất nhiều thanh niên xứ Basque, gọi là những Jarrai, tham gia vào các hành động chống đối.
Cuộc khủng hoảng ở xứ Basque có rất nhiều điểm trùng hợp với tình hình ở Bắc Ireland. Do đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, tiến trình hoà bình ở Bắc Ireland có liên quan chặt chẽ đến ETA.
Chính quyền của Thủ tướng Jose Maria Aznar hiện nay rất kiên quyết trong việc tiêu diệt ETA. Bản thân ông cũng từng thoát chết trong một âm mưu ám sát của ETA năm 1995. Ngày 26/8 vừa qua, đảng Batasuna đã bị đóng cửa vì có liên quan đến ETA.
Hiện nay, cộng đồng quốc tế đã coi ETA là một tổ chức khủng bố nguy hiểm và có nhiều biện pháp nhằm hạn chế và tiêu diệt hoạt động của tổ chức này. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chưa bao giờ ETA mạnh như lúc này.
Một số mốc lịch sử quan trọng của ETA
Sinh viên đấu tranh chống chế độ độc tài Franco. |
1937: Tướng Franco chiếm đóng xứ Basque và bắt đầu dìm các cuộc đấu tranh đòi độc lập của người dân trong biển máu.
1959: Tổ chức ETA ra đời với mục đích thành lập một nhà nước độc lập ở xứ Basque.
1961: Chiến dịch bạo động của ETA mở màn với âm mưu đánh trật đường ray đoàn tàu chở các chính trị gia Tây Ban Nha.
1968: ETA giết hại nạn nhân đầu tiên, đó là Meliton Manzanas, một trùm cảnh sát mật ở thành phố San Sebastian.
Cố thủ tướng Luis Carrero Blanco. |
12/1973: ETA ám sát Thủ tướng Luis Carrero Blanco ở Madrid để trả đũa việc chính phủ hành quyết một số chiến binh của họ.
1978: Lực lượng chính trị của ETA là Herri Batasuna được thành lập.
1995: ETA ám sát hụt lãnh đạo của đảng đối lập cánh hữu (nay là Thủ tướng Tây Ban Nha) Jose Maria Aznar, bằng một chiếc xe chở bom.
3/1996: Đảng cánh hữu của ông Aznar dành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Sự thay đổi của chính phủ mới báo hiệu sẽ dẫn đến một cuộc tấn công nhằm vào ETA. ETA tuyên bố đảng này là một di sản của chế độ độc tài Franco.
7/1997: ETA bắt cóc và giết hại chính trị gia Angel Blanco, nguyên nhân các cuộc biểu tình phản đối ETA của 6 triệu người Tây Ban Nha.
12/1997: 23 thủ lĩnh của đảng Herri Batasuna bị kết án tù 7 năm vì tội hợp tác với ETA. Đây là lần đầu tiên các thành viên của đảng bị bắt giam vì hợp tác với tổ chức ly khai này.
3/1998: Các đảng phái chính trị trụ cột của Tây Ban Nha cam kết sẽ thương lượng để chấm dứt tình trạng bạo lực ở xứ Basque. Madrid tuyên bố không tham gia.
18/9/1998: Lần đầu tiên ETA tuyên bố ngừng bắn sau hơn 30 năm tiến hành bạo động. Đây là một sự kiện quan trọng mặc dù tuyên bố của ETA còn khá mập mờ.
5/1999: Tiến hành cuộc gặp gỡ lần đầu tiên giữa chính phủ Tây Ban Nha với ETA tại thành phố Zurich, Thụy Sỹ.
Thủ tướng Jose Maria Aznar. |
8/1999: Thủ tướng Jose Maria Aznar buộc tội ETA đang “đe doạ hoà bình” và kêu gọi tổ chức này thừa nhận các hành động của mình.
11/1999: Tổ chức ly khai ETA tuyên bố chấm dứt thời kỳ ngừng bắn kéo dài 14 tháng và đổ lỗi nguyên nhân là do việc thiếu tiến triển trong cuộc thương thuyết với chính phủ.
1/2000: Những vụ đánh bom bằng ôtô của ETA bắt đầu bùng phát ở Madrid và xứ Basque.
26/8/2002: Đảng Batasuna bị cấm hoạt động do có liên quan đến ETA.
Đình Chính (theo BBC)