Trong thập niên 1860-1870, Sài Gòn đã có nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật của người Pháp, chủ yếu là múa balê và opera do chính quyền Sài Gòn tài trợ. Buổi đầu, khi chưa có nhà hát, những buổi biểu diễn này phải tạm diễn tại dinh các đô đốc gần công trường Đồng Hồ (góc Nguyễn Du - Đồng Khởi hiện nay).
Năm 1883, người Pháp nghĩ đến việc xây dựng rạp hát nhưng trong suốt 10 năm sau đó loay hoay chưa tìm được địa điểm. Năm 1894, công trình mới được xây dựng trên bản thiết kế của Eugène Ferret theo lối kiến trúc thời Đệ tam Cộng hòa Pháp. Toàn bộ mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Đầu năm 1900, nhà hát khánh thành và được dân chúng gọi là "rạp hát Tây". Đây là công trình nhà hát theo kiến trúc Pháp và do người Pháp xây dựng đầu tiên ở Sài Gòn. Niêm giám Đông Dương năm 1910 ghi rằng, nhà hát chỉ hoạt động từ tháng 10 đến tháng 4 hàng năm, chuyên trình diễn các vở nhạc kịch, ca kịch nhẹ, hài kịch.
Mãi tới năm 1907, nhà hát này mới gây được uy tín. Các đoàn hát thường từ Pháp sang, ký hợp đồng trước với Dinh Đốc lý Sài Gòn theo chế độ khoán. Mỗi năm, nhà hát chỉ biểu diễn khoảng 6 tháng mùa khô, từ tháng 10 trở đi.
Sau năm 1954, nhà hát được chuyển công năng thành tòa nhà Quốc hội, rồi Hạ nghị viện của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Suốt giai đoạn 1955-1975, nhà hát thành phố chỉ làm công việc chính trị. Bộ mặt công trình được thay đổi cho phù hợp với công năng mới, các họa tiết hoa văn nhỏ tiếp tục bị dỡ hẳn, hàng cột tròn bị phá bỏ. Lối kiến trúc tạo đường nét vuông vức để phù hợp với vị thế của một trụ sở hội họp chính trị.
Sau năm 1975, nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diễn nghệ thuật. Năm 1993, UBND TP HCM đặt tên là Nhà hát Giao hưởng và thính phòng, sau đó đổi thành Nhà hát Giao hưởng - Nhạc, vũ kịch. Nơi đây chuyên xây dựng và tổ chức biểu diễn các chương trình âm nhạc hàn lâm.
Câu 2: Tuyến đường sắt nào được đưa vào sử dụng đầu tiên ở Sài Gòn trước đây?