Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) vừa công bố khung giảng dạy mới áp dụng từ học kỳ 2. Mỗi ngày sẽ có 17 tiết học, mỗi tiết 50 phút kéo dài từ 6h đến 22h10.
Theo giải thích từ lãnh đạo nhà trường, khung giờ này áp dụng cho nhiều chương trình và hệ đào tạo khác nhau, trong đó những tiết bắt đầu lúc 6h hay kết thúc lúc 22h10 chỉ dành cho người vừa học vừa làm. Việc xếp lịch học từ 6h là để có thể sắp xếp các tiết học trong trường hợp cần thiết, không áp dụng thường xuyên.
Khung giờ học này đã gây ra cuộc tranh luận trái chiều từ hàng trăm sinh viên trên các diễn đàn của trường.
Học từ 6h là bình thường
Phúc (sinh viên năm hai Khoa Cơ khí) chia sẻ, tiết học đầu tiên theo khung cũ của trường là 6h30, bây giờ đẩy sớm hơn 30 phút cũng không phải vấn đề lớn. "Dậy sớm thì đi phương tiện cá nhân hay xe buýt đều thoải mái vì đường thông thoáng. Tôi có thói quen thức sớm nên lịch học mới không phải băn khoăn", nam sinh chia sẻ.
Theo Phúc, với lịch học mới, sinh viên chỉ đăng ký tối đa 5 tiết mỗi buổi thì thời gian kết thúc buổi sáng cũng sớm hơn, có nhiều thời gian nghỉ ngơi giữa trưa hơn. "Học Bách khoa theo tín chỉ, học sớm hơn thì khung giờ sẽ dày hơn, có nhiều lựa chọn hơn là thuận lợi cho sinh viên, không có gì đáng ồn ào cả", Phúc bày tỏ.
Trong khi đó, Đại (sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa) thẳng thắn: "Sinh viên ngại học sớm vì hay thức khuya, tốn quá nhiều thời gian cho mạng xã hội và giải trí".
Sinh viên Bách khoa được trường sắp xếp học theo cơ sở quận 10 hoặc cơ sở ở khu Đại học Quốc gia (giáp ranh Thủ Đức và Dĩ An), ở nhà trọ hay ký túc xá thì khoảng cách cũng gần nơi học, không phải di chuyển quá xa.
"Nếu dậy từ 5h sáng hoặc sớm hơn một chút để vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi vào lớp vẫn kịp. Đi học sớm có khi 15 phút đã đến trường, còn học muộn bạn đi đúng giờ kẹt xe có khi 30-40 phút chưa tới. Cái nào cũng có lợi và thiệt riêng, tất cả phải đánh đổi", Đại nêu quan điểm.
Với cựu sinh viên Đại học Bách khoa, lịch học từ 6h không gây ngạc nhiên bởi họ đã quen áp lực học tập từ ngôi trường đào tạo kỹ sư này. Mặt khác, nhà trường đã giải thích rất rõ tiết đầu tiên 6h là dành cho người học nào và sẽ không sắp xếp thường xuyên với sinh viên chính quy.
"Trước đây, tiết đầu tiên của tôi bắt đầu lúc 6h15 và chúng tôi vẫn đi học đầy đủ. Về mặt khoa học, ngủ trước 11h và sáng thức dậy lúc 5h rất tốt cho sức khoẻ", một cựu sinh viên chia sẻ.
Còn theo Đức Trung (27 tuổi, cựu sinh viên Khoa Kỹ thuật Xây dựng), chuyện 4h sáng thức dậy chuẩn bị lên xe buýt đi học không phải lạ với nhiều sinh viên Bách khoa khi các tiết học bắt đầu từ 6h30.
"Môi trường Bách khoa rất khắc nghiệt, từ chuyện học hành, thi cử, giờ giấc, tương xứng với chất lượng và thương hiệu của tấm bằng bạn ra trường. Các bạn nên cố gắng thì mới gặt hái được thành công", kỹ sư trẻ này khuyên.
Một cựu sinh viên khác thẳng thắn: "Học 6h thì 5h dậy hoặc ở xa thì 4h dậy, thanh niên khoẻ mạnh làm gì mà than vãn dữ vậy. Những ai từng ở nội trú, từ cấp một đến cấp ba đều biết cứ 4h30 sáng là dậy rồi".
Nhiều sinh viên đề nghị học từ 7h
"Lịch học nhiều buổi trước đây bắt đầu từ 6h30, nhà tôi ở Bình Thạnh nên phải thức dậy từ 5h mới chạy xe máy lên kịp. Nhiều hôm thức dậy muộn một chút thì sẽ vào lớp trễ. Nay dời lại 30 phút e rằng vất vả hơn", Đức Long (sinh viên Khoa Cơ khí) bày tỏ.
Theo nam sinh này, thời gian bắt đầu tiết một nên là 7h sẽ thuận tiện hơn với nhiều sinh viên, bởi không phải ai cũng ở ký túc xá và có nhà gần trường. Trước khi vào học cũng nên có thời gian để sinh viên, giảng viên ăn sáng.
"Dù nhà trường có giải thích khung 6h sáng ít áp dụng cho sinh viên chính quy, chỉ dùng cho người vừa học vừa làm nhưng nếu đột xuất thì vẫn có, mà nếu có thì rất khó cho nhiều sinh viên", Long nói.
Nhiều sinh viên khác thì cho rằng, việc điều chỉnh tiết một sớm hơn 30 phút so với trước đây là sự thay đổi lớn, bởi dậy sớm hơn 30 phút là cả vấn đề với nhiều người.
"Muốn dậy sớm thì phải điều chỉnh ngủ sớm, nếu không vô lớp sẽ vật vờ cả ngày. Trong khi đó, nhiều người sau buổi học chiều ở trường lại có việc riêng, buổi tối phải học tới đêm. Quay cuồng liên tục sẽ không tốt chút nào", Anh Thư (sinh viên năm hai) bày tỏ.
Một số sinh viên ở trọ hoặc ở ký túc xá xa các cơ sở của trường mong muốn lịch học kỳ 2 tới sẽ không có học phần rơi vào khung 6h. Bởi đi học từ 5h không phải tuyến xe buýt nào cũng chạy, đi xe máy một mình vào thời điểm này quá sớm, không an toàn.
Hiện, Đại học Bách khoa có gần 1.000 giảng viên, đang đào tạo bậc đại học (chính quy, phi chính quy), cao đẳng, sau đại học (cao học và nghiên cứu sinh) với khoảng 26.000 người học.