Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) vừa có thông báo thay đổi khung giờ giảng dạy, trong đó tiết đầu tiên bắt đầu từ 6h, kéo dài 50 phút và sinh viên được giải lao 10 phút.
Các tiết học tiếp theo diễn ra ngay sau đó với cùng thời lượng, mỗi ngày có 17 tiết, kết thúc lúc 22h10. Các tiết học tối sẽ không có giờ giải lao.
Thông báo trên được sinh viên Đại học Bách khoa chia sẻ và tranh luận trái chiều. Nhiều sinh viên cho rằng lịch học tiết đầu là quá sớm, không phù hợp với đa số người học và giảng viên. "Không biết trường khi đưa ra thông báo có cân nhắc, khảo sát tình hình, nhu cầu học và dạy của sinh viên, giảng viên hay không? Riêng mình tin chưa đến một phần ba người được hỏi muốn điều này", một nam sinh bày tỏ.
Một số sinh viên khác nói, để có mặt 6h ở lớp học, nhiều người phải thức 4-5h để chuẩn bị lên trường, lâu ngày sẽ không tốt cho sức khỏe.
Giải thích sự thay đổi trên, một lãnh đạo Đại học Bách khoa cho biết, khung giờ trên được áp dụng cho nhiều chương trình và hệ đào tạo khác nhau, trong đó những tiết đặc biệt như bắt đầu từ 6h hoặc 20-21h chỉ dành cho hệ vừa học vừa làm. Những tiết học này cũng được cân nhắc không xếp thường xuyên.
Theo đại diện này, việc làm trên xuất phát từ nguyện vọng của nhiều sinh viên vừa học vừa làm, nhiều người từ các địa phương khác đến trường học tập trung nên muốn học sớm hơn và trễ hơn bình thường để rút ngắn đợt học. Với sinh viên chính quy, giờ học mỗi ngày bắt đầu từ 7h, so với khung trước đây là trễ hơn 30 phút.
Cũng theo đại diện này, với khung giảng dạy mới, sinh viên có thể đăng ký 5 tiết vào buổi sáng thay vì phải đăng ký 6 tiết như trước đây, tránh được áp lực quá tải.