Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 75 hôm 7/12 thảo luận và thông qua bằng đồng thuận nghị quyết A/RES/75/27 "nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp", thống nhất chọn ngày 27/12 làm Ngày Quốc tế Sẵn sàng Phòng chống Dịch bệnh, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng.
Đề xuất của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Các quốc gia gồm Canada, Niger, Senegal, Saint Vincent và Grenadines, Tây Ban Nha đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam, 107 nước tại tất cả các khu vực đã tham gia đồng bảo trợ Nghị quyết.
"Đại dịch là hồi chuông cảnh báo về cải thiện khả năng sẵn sàng. Chúng tôi tin rằng tổ chức Ngày Quốc tế Sẵn sàng Phòng chống Dịch bệnh sẽ là một cách nổi bật để đạt mục tiêu này", Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý phát biểu trước Đại Hội Đồng.
Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các tổ chức trong hệ thống của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực khác, khu vực tư nhân, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, cá nhân và thành phần liên quan kỷ niệm Ngày Quốc tế Sẵn sàng Phòng chống Dịch bệnh hàng năm nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch.
Ngày 27/12 được chọn bởi đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vaccine đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới
Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, cuối năm ngoái và nhanh chóng lan khắp thế giới. Đại dịch đã khiến gần 68 triệu người nhiễm virus, trong đó hơn 1,5 triệu người chết. Số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu, bất chấp nhiều biện pháp giới hạn nghiêm ngặt nhằm khống chế Covid-19.
Vũ Anh