Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) hôm 29/4 nhận định đến đầu năm 2022, khoảng 25 triệu người, tức gần một nửa dân số Myanmar, có thể sống dưới mức đói nghèo.
"Nếu thiếu các thể chế dân chủ có hiệu lực, Myanmar sẽ phải đối mặt với thảm kịch nghèo đói chưa từng thấy trong nhiều thế hệ, dù điều này có thể tránh được", quan chức UNDP Achim Steiner nói.
Steiner cho biết thêm cuộc khủng hoảng hậu đảo chính và ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 hiện nay có thể khiến Myanmar đảo ngược thành tựu mà họ đạt được kể từ năm 2005, khi nước này giảm một nửa dân số sống trong cảnh nghèo đói.
Myanmar, vốn bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề với gần 143.000 ca nhiễm và hơn 3.200 ca tử vong do nCoV, đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
Người dân Myanmar liên tiếp xuống đường biểu tình phản đối chính quyền quân sự bất chấp các biện pháp trấn áp mạnh tay của lực lượng an ninh. Theo một nhóm quan sát địa phương, hơn 750 người Myanmar đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, trong khi các cuộc đình công phản đối đảo chính cũng khiến nền kinh tế nước này thiệt hại nghiêm trọng.
Theo cơ quan nhân đạo Liên Hợp Quốc OCHA, kể từ giữa tháng 3, hơn 30.000 người dân Myanmar cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh giữa quân đội và Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong 20 nhóm phiến quân ở biên giới nước này.
Ngọc Ánh (Theo AFP)