Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener hôm 15/2 điện đàm với Phó tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, cảnh báo lực lượng này phải "tôn trọng đầy đủ quyền hội họp hòa bình" của người dân.
"Bà Burgener gửi thông điệp đến quân đội Myanmar rằng cả thế giới đang giám sát chặt chẽ và bất cứ phản ứng nặng tay nào nhiều khả năng cũng sẽ khiến họ hứng chịu hậu quả nghiêm trọng", phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq dẫn lại lời của đặc phái viên.
Bà cũng bày tỏ quan ngại việc gián đoạn Internet diện rộng ở Myanmar và cảnh báo điều này "làm suy yếu các nguyên tắc dân chủ cốt lõi" cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến các lĩnh vực quan trọng và làm gia tăng căng thẳng trong nước.
Internet ở Myanmar đã được khôi phục vào sáng nay, sau khi bị mất kết nối diện rộng vào đêm qua. Tình trạng Internet gián đoạn thường xuyên xảy ra ở Myanmar trong lúc nổ ra các cuộc biểu tình phản đối cuộc binh biến.
Quân đội Myanmar hôm nay phủ nhận động thái lật đổ chính phủ dân sự là đảo chính, khẳng định họ đã hành động hợp lý do các cáo buộc gian lận bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái không được giải quyết. Lực lượng này cũng tái khẳng định sẽ trao lại quyền lực sau khi có kết quả bầu cử mới.
"Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một cuộc bầu cử và trao quyền lực cho bên chiến thắng", tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên của quân đội Myanmar, cho biết trong cuộc họp báo đầu tiên của lực lượng này từ khi nắm quyền vào ngày 1/2.
Bất chấp cảnh báo từ quân đội, hàng chục nghìn người Myanmar vẫn tiếp tục biểu tình ở các thành phố lớn nhất cả nước như Yangon và Mandalay. Tuy nhiên, số người biểu tình tuần này dường như đã ít hơn tuần trước, khi quân đội Myanmar tăng cường hiện diện và nhiều lần sử dụng vòi rồng, thậm chí là nổ súng chỉ thiên để giải tán đám đông.
Quân đội Myanmar cũng công bố các hình phạt nghiêm khắc đối với những người phản đối các lãnh đạo của cuộc binh biến, nói rằng những người "ngăn cản lực lượng an ninh thực hiện nhiệm vụ" có thể phải đối mặt với 20 năm tù. Những người bị kết tội "gây bất ổn nơi công cộng" cũng có thể bị phạt tù 2-7 năm.
Quân đội Myanmar còn tuyên bố có quyền thực hiện khám xét và tạm giam trong hơn 24 giờ mà không cần quyết định của tòa án, đồng thời yêu cầu các nhà báo không mô tả việc tiếp quản quyền lực của quân đội là một cuộc đảo chính.
Lực lượng này ngày 1/2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo thực tế của quốc gia Đông Nam Á, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Động thái này đã châm ngòi những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Myanmar.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế bạo lực tại Myanmar, đồng thời yêu cầu quân đội nước này "cho phép khẩn cấp" bà Burgener tới thực địa để đánh giá tình hình.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)